“Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”. Đó là mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đặt ra. Nghị quyết số 28 -NQ/TW ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong thực hiện chính sách BHXH.
Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH tự nguyện
Sau 5 năm nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, theo Báo cáo số 335-BC/TU ngày 30/6/2023 của Tỉnh ủy Bình Phước về Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trước tiên đó là, sau 05 năm triển khai Chương trình 68-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 28 trên địa bàn tỉnh, nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng đối với Nghị quyết 28 của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng lên rõ rệt; sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí đã phối hợp tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở, sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân góp phần vào việc thực hiện thành công các chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, diện bao phủ và số người thụ hưởng các chế độ BHXH không ngừng tăng cao qua từng năm, đặc biệt là tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện. Nếu như năm 2018, năm đầu triển khai Nghị quyết số 28, toàn tỉnh chỉ có 1.434 người tham gia BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh chiếm 25,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; thì đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 11.499 người tham gia BHXH tự nguyện, tỷ lệ người lao động tham gia BHXH chiếm 35,53% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH đã đạt những thành tựu lớn. Cơ sở dữ liệu của ngành BHXH ngày càng được hoàn thiện. Số thủ tục hành chính giảm từ 27 thủ tục năm 2018 xuống còn 25 thủ tục hành chính năm 2021; công tác chuyển đổi số, góp phần minh bạch hóa mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT và thông tin tham gia BHXH, BHYT của cá nhân người tham gia được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tiếp đó, việc thực hiện các mục tiêu đã đạt được những kết quả rõ rệt, cụ thể:
Năm 2018: Có 25% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, 23% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, 84,11% dân số tham gia BHYT (mục tiêu đề ra là 82,2%). Số người được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội: 13.523 người.
Năm 2019: Có 27,2% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, 25% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, 86,9% dân số tham gia BHYT (mục tiêu đề ra là 86,2%). Số người được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội: 14.228 người.
Năm 2020: Có 27,6% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, 26% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, 90,5% dân số tham gia BHYT (mục tiêu đề ra là 90%). Số người được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội: 15.039 người.
Năm 2021: Có 33,29% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (mục tiêu đề ra là 33%), 29,6% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN (mục tiêu đề ra là 29,5%), 91,07% dân số tham gia BHYT (mục tiêu đề ra là 91%). Số người được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội: 15.667 người.
Năm 2022: Có 35,53% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (mục tiêu đề ra là 35%), 31% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN (mục tiêu đề ra là 31,5%), 92,6% dân số tham gia BHYT (mục tiêu đề ra là 92%). Số người được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội: 16.168 người.
Năm 2023: Dự kiến có 38% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (mục tiêu đề ra là 38%), 32% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN (mục tiêu đề ra là 31,5%), 93% dân số tham gia BHYT (mục tiêu đề ra là 93%). Số người được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội: dự kiến có 16.309 người.
Tỷ lệ giao dịch điện tử, mức độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, số giờ giao dịch và chỉ số đánh giá mức độ hài lòng. Trong thời gian qua, thủ tục hành chính (TTHC) của ngành BHXH đã giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục (năm 2021); triển khai thực hiện đa dạng hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ giao dịch trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại cơ quan BHXH; giao dịch điện tử
(doanh nghiệp nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần, trên 98% đơn vị đã thực hiện); mức độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực BHXH (tỷ lệ so với dịch vụ đang cung cấp): 100% (63 dịch vụ/63 dịch vụ đang cung cấp).
Mặc dù việc thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW đạt nhiều kết quả quan trọng, song thực tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục. Cụ thể, số lượng đơn vị đăng ký thành lập mới tăng nhưng thực tế rất ít hợp đồng thuê mướn lao động, chủ yếu sử dụng lao động mang tính chất gia đình, lao động đã nghỉ hưu không thuộc đối tượng tham gia BHXH. Hơn nữa nhận thức về chính sách pháp luật về BHXH, BHTN ở một số chủ doanh nghiệp chưa đầy đủ, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN ở một số doanh nghiệp còn dây dưa, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Người đồng bào dân tộc thiểu số lao động ở các đơn vị doanh nghiệp còn thấp, khó được tiếp cận với chính sách BHXH, BHTN bắt buộc của Nhà nước, phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện, nhưng thu nhập còn thấp, khả năng tham gia BHXH tự nguyện chưa cao, nếu không có chính sách hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện cho người đồng bào dân tộc thiểu số.
Số người tham gia BHXH bắt buộc dưới 20 năm đóng BHXH, giải quyết chế độ BHXH một lần ngày một tăng, ảnh hưởng đến việc duy trì tỷ lệ bao phủ BHXH, phần lớn người lao động giải quyết chế độ một lần do bản thân gia đình gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 kéo dài, mặt khác do chính sách giảm thời gian đóng BHXH theo lộ trình của Nghị quyết 28 chưa được triển khai thực hiện.
Công tác quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân (ATM) gặp khó khăn, rất dễ gặp rủi ro khi người hưởng có thể đi ra ngoài tỉnh nhiều tháng, về quê hoặc tạm trú ở tỉnh khác thời gian dài không chuyển hưởng về nơi tạm trú, đang ở nước ngoài, chết nhưng gia đình không báo… nên rất khó quản lý; chính sách BHTN do hai cơ quan thực hiện, thu và chi BHTN thuộc trách nhiệm của cơ quan BHXH, giải quyết trợ cấp thất nghiệp do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nên đôi lúc chưa thật sự đồng bộ dẫn đến người lao động phải đi lại nhiều lần. Quy định về tạm dừng, chấm dứt hưởng và bảo lưu thời gian đóng BHTN chưa hưởng hoặc dừng hưởng, chấm dứt hưởng đối với người lao động rất phức tạp, khó khăn cho cả người lao động và cơ quan tổ chức thực hiện, nhất là công tác quản lý người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm.
Tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHXH xảy ra ở nhiều doanh nghiệp chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh nợ BHXH với số tiền lớn nhưng không có khả năng thanh toán.
Công tác truyền thông mặc dù được quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, song vẫn chưa làm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân và người lao động, người sử dụng lao động về nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia BHXH. Hệ thống cộng tác viên là các cán bộ xã, phường, thị trấn, đại lý thu ngay tại địa bàn được rộng khắp, tuy nhiên chất lượng hoạt động của các cộng tác viên chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao.
Đại biểu đặt câu hỏi tại Hội nghị
Trong điều kiện, xu hướng phát triển chung của cả nước nói chung và của tỉnh Bình Phước nói riêng, tình hình thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo của ngành BHXH dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các ngành nghề khả năng ngày càng thu hẹp quy mô do sụt giảm nhu cầu từ xã hội, thu nhập bình quân đầu người giảm sút, số lao động tham gia BHXH, BHYT tiếp tục giảm, số lao động bị thất nghiệp tăng, gia tăng tình trạng doanh nghiệp không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT gặp nhiều khó khăn.
Do đó, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, giúp chính sách BHXH, BHYT khẳng định được vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, được người dân tin tưởng tham gia, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống của người dân, có sức lan tỏa và thu hút sự quan tâm của cả xã hội và hệ thống chính trị, cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đó là: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền từ tỉnh đến địa phương, đơn vị đối với công tác BHXH, BHYT.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực BHXH, BHYT đối với các sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội có liên quan.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHTN, BHYT.