Theo thông cáo của WEF, sẽ có 8 quốc gia ASEAN cử nguyên thủ tới tham dự, trong đó có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của Myanmar, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen…
Các nhà lãnh đạo này cùng các vị quan chức ASEAN khác sẽ được Thủ tướng nước chủ nhà Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp.
Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thành viên Ban điều hành của WEF Justin Wood nhấn mạnh ASEAN hiện là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự hiện diện của các nhà lãnh đạo cấp cao của khu vực cho thấy cam kết của các nước trong việc duy trì điều này trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang mở rộng về quy mô và tác động kinh tế. Môi trường địa chính trị xung quanh khu vực cũng đang thay đổi rất nhanh chóng.
Diễn đàn dự kiến diễn ra từ 11-13/9 tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 800 nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ, xã hội dân sự, giới truyền thông để thảo luận về hàng loạt vấn đề quốc tế hiện nay, từ các xung đột địa chính trị tới việc quản trị doanh nghiệp, sử dụng lao động trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về nhiều vấn đề cụ thể, trong đó có Sự cân bằng quyền lực mới ở châu Á, Tương lai về công việc tại ASEAN, Triển vọng kinh tế châu Á, việc thúc đẩy Cộng đồng kinh tế ASEAN, cùng nhiều vấn đề về công nghệ trong nền kinh tế số hóa. Một trong những người điều hành các phiên thảo luận dự kiến sẽ có quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng./.