Theo VINACAS, kể từ năm 2006, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới và bắt đầu vào nhóm ngành hàng nông sản chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD vào năm 2010.
Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu điều nhân đạt giá trị 3,62 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và đứng vị trí số 1 trong nhóm 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đồng thời, tiếp tục duy trì thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD) và tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân điều.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên ngành điều Việt Nam cũng đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập khi tốc độ tăng trưởng về sản xuất (trồng trọt) chưa theo kịp với tăng trưởng của ngành chế biến.
Trong năm 2017, sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong ngành này đang diễn ra ngày càng gay gắt, nguy cơ thâm nhập của các đối thủ tiềm ẩn mới tham gia thị trường, nhất là các đối thủ Trung Quốc và khu vực châu Phi (Đông Phi và Tây Phi), các quốc gia Đông Nam Á (Thái Lan, Campuchia...).
Hạt điều lại không phải là sản phẩm hoàn toàn không thể thay thế được trong “rổ hàng hóa” hạt quả khô.
Nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng song hành cùng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm…
Trong bối cảnh đó, VINACAS đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét ban hành Đề án tiếp theo về tái cơ cấu ngành điều Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo nội dung dự thảo, mục tiêu của Đề án này là xây dựng tầm nhìn, chiến lược tái cơ cấu và phát triển ngành điều giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.
Phát triển bền vững ngành điều theo hướng công nghệ cao 4.0; đồng bộ, khép kín, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường với giá thành hợp lý; mang lại giá trị gia tăng cao, tăng thu nhập cho cộng đồng những người tham gia vào chuỗi giá trị ngành điều; bảo vệ môi trường, phát triển xanh bền vững.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích điều được quy hoạch trên cả nước là 380.000ha, năng suất 2 tấn hạt/ha, sản lượng 760.000 tấn hạt điều thô (khô).
Nâng giá trị xuất khẩu sản phẩm nhân điều chế biến sâu và sản phẩm phụ (dầu vỏ hạt điều,…) đạt 1 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu nhân điều sơ chế đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.
Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ ổn định diện tích trồng điều ở mức khoảng 400.000ha, năng suất 2,2 tấn hạt/ha, sản lượng 880 ngàn tấn hạt điều thô (khô).
Phát triển canh tác và chế biến điều hiện đại theo công nghệ cao 4.0. Nâng giá trị xuất khẩu sản phẩm nhân điều chế biến sâu và sản phẩm phụ (dầu vỏ hạt điều,…) đạt 7 tỷ USD đến năm 2030 và tổng kim ngạch xuất khẩu nhân điều đạt 10,5 tỷ USD.
Tại Hội nghị “Phát triển ngành điều Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Bình Phước mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, trong thời gian qua ngành điều có tốc độ phát triển nhanh, đồng bộ cả khâu phát triển nguyên liệu đến chế biến, thị trường.
Tuy nhiên, với việc phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, thu nhập của người trồng điều không cao… thì nếu không sớm tái cơ cấu lại, ngành điều khó có thể phát triển ngoạn mục như giai đoạn vừa qua.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tái cơ cấu ngành điều theo hướng không tăng diện tích, giữ nguyên diện tích 300.000ha nhưng tập trung vào việc tăng giá trị và đẩy nhanh các giải pháp tăng năng suất gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển chế biến sâu, lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực để đầu tư phát triển; tổ chức chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu; song song đó phát triển thị trường nội địa, hướng phát triển ngành điều gắn với phát triển du lịch…/