GIÚP NÔNG DÂN CAMPUCHIA TRỒNG ĐIỀU - BƯỚC ĐI BÀI BẢN
Hiện Campuchia có khoảng 200 ngàn ha điều, trong đó 100 ngàn ha cho thu hoạch; năm 2017 có 98% điều thô xuất khẩu qua Việt Nam, xếp thứ 5 trong số quốc gia nhập khẩu điều của Việt Nam. Chất lượng hạt điều nhập khẩu từ Campuchia tốt hơn các nước châu Phi.
Ngày 17-1-2018, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Vinacas mục tiêu mở rộng 500 ngàn ha điều, sản lượng 1 triệu tấn/năm đến năm 2020. Theo thỏa thuận, Vinacas sẽ có văn bản chính thức gửi Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia về việc kiến nghị bãi bỏ một số thủ tục, giấy tờ để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu điều thô sang Việt Nam. Đồng thời đồng ý với đề xuất của bạn là hai bên sẽ hình thành cơ chế hợp tác để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu điều giữa hai quốc gia. Phía Vinacas đồng ý gửi các chuyên gia sang Campuchia để chuyển giao kỹ thuật chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hạt điều trước khi xuất sang Việt Nam. Vinacas sẽ giúp Campuchia xây dựng các vườn điều mẫu tại 10 tỉnh trọng điểm, hình thành nơi tham quan học hỏi cho nông dân, từ đó tạo sức lan tỏa. Cộng đồng doanh nghiệp điều Việt Nam cũng đã hình thành quỹ giúp 10 tỉnh có trồng điều của Campuchia 1,5 tỷ đồng, trồng 1 triệu cây điều, giai đoạn 2018-2020.
Năm 2017, Campuchia sản xuất hơn 104 ngàn tấn hạt điều; trong đó gần 100 ngàn tấn được các công ty chế biến hạt điều Việt Nam thu mua. Kompongthom, Kompongcham và Ratanakiri là các tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất Campuchia, với tỷ trọng lần lượt chiếm 27%, 18% và 17% trong tổng diện tích trồng điều tại nước này. Vinacas giúp nông dân Campuchia mở rộng trồng điều là liên kết chặt chẽ 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Với sản lượng 1 triệu tấn điều thô/năm, Campuchia trở thành “cường quốc” về sản lượng điều có liên kết chặt chẽ với Việt Nam. |
Sau thỏa thuận với Việt Nam về thúc đẩy sản xuất hạt điều tại Campuchia, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia đã kêu gọi các cơ quan nông nghiệp cấp tỉnh trong nước này khảo sát khu vực có điều kiện tốt nhất để trồng cây điều. Tháng 3-2018, chuẩn bị mùa trồng mới, đoàn cán bộ của ngành nông nghiệp Campuchia được Vinacas hỗ trợ đến tham quan các vườn điều đang khai thác, vườn điều trồng mới và vườn ươm cây giống điển hình tại thị xã Đồng Xoài. Tại các nơi đến tham quan, đoàn cán bộ nông nghiệp Campuchia rất khen ngợi trình độ canh tác của nông dân trồng điều Việt Nam và đánh giá rất cao giống điều PN1 đang được phần lớn nông dân Việt Nam chọn trồng mới hiện nay. Đặc điểm giống điều PN1 là chống chịu được khô hạn, ít sâu bệnh, phát triển tốt và cho trái trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt chất lượng hạt thơm ngon, được thị trường trên thế giới ưa chuộng.
YẾU TỐ XÂY DỰNG, BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU ĐIỀU BÌNH PHƯỚC
Bình Phước hiện có khoảng 174 ngàn ha điều trong tổng số 300 ngàn ha của cả nước.
Diện tích lớn, công nghiệp chế biến hàng đầu nhưng điều cũng như nhiều cây trồng khác chưa có viện nghiên cứu như cây cao su. Người trồng điều còn “tự bơi” và ít hộ giàu nhờ cây điều. Giống là yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển ngành điều bền vững. Để giải bài toán giống, Vinacas đề xuất lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho các hội viên Vinacas (doanh nghiệp) có thể thành lập trung tâm sản xuất giống nhưng không mang tính thương mại mà chủ yếu hỗ trợ nông dân với mục tiêu đưa năng suất, chất lượng vườn điều tăng cao. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giống, chỉ lưu hành giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Hiện đề xuất của Vinacas tuy chưa đi vào thực tiễn ở Bình Phước nhưng hiệu quả đã được minh chứng bước đầu trong liên kết phát triển vùng nguyên liệu tại Campuchia. Trước đó, Vinacas đã hỗ trợ các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cải tạo vườn điều già cỗi theo phương pháp ghép chồi, thực hiện ở xã Long Hà (Phú Riềng), mang lại hiệu quả thực tiễn. Điều đáng nói là hiện nay, hạt điều Bình Phước đã có chỉ dẫn địa lý, nếu có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị hạt điều sẽ bảo vệ và phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt trong thời kinh tế thị trường, nông dân là người làm ra sản phẩm nhưng xây dựng thương hiệu và dẫn dắt sản phẩm đến với người tiêu dùng lại là doanh nghiệp.
Nông dân vùng sâu rất quan tâm tăng năng suất vườn điều để cải thiện cuộc sống nhưng vẫn chưa đúng mức. Vì thế, ngành chức năng rà soát thu thập thông tin thực tế, tăng cường tuyên truyền đúng đối tượng để áp dụng các giải pháp kịp thời nhằm thâm canh đúng hướng. Hiện nhầm lẫn giống đến 30-40%, nông dân chịu thiệt vì trồng 3 năm mới phát hiện chọn giống sai, năng suất, chất lượng thấp. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vườn ươm và cơ sở bán giống. Với cơ sở không có giấy phép không cho sản xuất giống đại trà.
Ông Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều Việt Nam (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam)
|
Nghịch lý của ngành điều Việt Nam là năng suất, sản lượng hạt điều liên tục giảm do những năm trước nông dân quay lưng với cây điều và hiện nay ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây bất lợi với cây điều nhưng công nghiệp chế biến lại phát triển nóng. Phụ thuộc vào nguyên liệu nên năm 2018 ngành điều thay đổi chiến lược: Giảm sản lượng chế biến thô, tăng chế biến sâu. Như vậy, doanh nghiệp phải có liên kết chặt chẽ với nông dân từ hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, thu mua để có nguyên liệu điều thô trong nước phục vụ sản xuất - kinh doanh. Những doanh nghiệp điều yếu kém cũng sẽ bị kinh tế thị trường đào thải.
Nếu chọn sai cây giống thì hậu quả sẽ khôn lường. Doanh nghiệp tham gia hỗ trợ giống cho nông dân không chỉ giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho người trồng điều trong tái canh, trồng mới mà còn góp phần minh bạch thị trường cây giống, bảo tồn, phát huy gen giống ưu việt số 1 - “giống điều Bình Phước”.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện khoảng 80% diện tích điều được trồng bằng hạt (cây thực sinh); 20% giống mới, trong đó 30% điều 20 năm tuổi; 45,7% điều 10-20 năm và còn lại dưới 10 năm tuổi.