sct

VỤ TỔNG HỢP KINH TẾ

Thứ năm - 06/12/2018 10:06
BẢN TIN NGOẠI GIAO KINH TẾ
(Thứ Sáu, ngày 30/11/2018)
Tin nổi bật
- Thương mại thế giới quý 3/2018 bắt đầu bị ảnh hưởng bởi chiến tranh TM;
- Vẫn tồn tại một số bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc trước thềm cuộc gặp bên lề Hội nghị G20;
- Tác động lên kinh tế thế giới trong trường hợp giá dầu < 50 USD/thùng;
- Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ 2018 đạt mục tiêu đề ra (3%);
- Dự kiến FED sẽ tăng lãi suất cơ bản trong tháng 12/2018, giảm tiến độ trong năm 2019;
- Ngân hàng TW Anh cảnh báo về kịch bản không đạt được thoả thuận Brexit;
- Kinh tế Hàn Quốc dự báo tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2019-2020;
Hiệp hội Nhựa cảnh báo tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để lấy xuất xứ;
- Bài phân tích: Tại sao Mỹ phớt lờ thỏa thuận thương mại tự do giữa Ca-na-đa và Việt Nam.

A. KINH TẾ THẾ GIỚI
  • Số liệu của Cơ quan phân tích chính sách kinh tế Hà Lan (CPB) cho thấy, trong quý 3/2018 thương mại thế giới đã bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của thương mại toàn cầu đã bắt đầu chậm lại sau khi tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn từ giữa năm 2017 đến giữa năm 2018. Xuất khẩu của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đều tăng trưởng chậm lại trong quý 3/2018 và nhập khẩu của các nền kinh tế phát triển giảm mạnh. (Standard Chartered, 28/11)
  • Ngày 26/11, thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư hy vọng cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị G20 tại Argentina mang lại kết quả tốt đẹp. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng giá dầu mỏ ổn định hơn, Anh và EU đạt được thỏa thuận Brexit và Italy cho thấy lập trường hòa giải hơn với Brussels về cuộc chiến ngân sách của nước này. (Reuters, 26/11)
  • Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc sẽ ăn tối làm việc bên lề Hội nghị G20 ngày 1/12 tại Argentina để trao đổi về vấn đề thương mại. Nội dung cuộc gặp dự kiến xoay quanh các vấn đề: bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và gián điệp mạng.  Tổng thống Mỹ Trump bày tỏ lạc quan sẽ đạt được một thoả thuận với Trung Quốc trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ áp các loại thuế mới nếu cuộc gặp không đạt được kết quả khả quan. (Bloomberg, WSJ, 28-29/11)
  • Giá dầu thế giới có khả năng giảm xuống dưới 50 USD/thùng. Theo Bloomberg, các nước nhập khẩu dầu khí (Ấn Độ, Nam Phi) sẽ được hưởng lợi, trong khi các nước xuất khẩu (Nga, Ả-rập Xê-út) sẽ bị ảnh hưởng. Áp lực tăng lãi suất cơ bản tại các nước phát triển sẽ giảm đi trong khi các nước đang nới lỏng chính sách tiền tệ (Nhật Bản) sẽ gặp khó khăn. Theo nghiên cứu của Capital Economics, giá dầu cứ giảm 10 USD/thùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của các nước nhập khẩu dầu mỏ thêm 0,5 - 0,7 %; trong khi có thể làm giảm từ 1,5 - 2%  GDP của các nước xuất khẩu dầu mỏ. (Bloomberg, 28/11)
1. Mỹ:
  • Bộ Thương mại Mỹ công bố các chỉ số kinh tế cập nhật cho Quý 3/2018. Theo đó, tăng trưởng GDP đạt 3,5%, không thay đổi với số liệu tính toán lần đầu. Theo đó, kinh tế Mỹ vẫn đủ khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 3% cả năm 2018, dù đà tăng trưởng có dấu hiệu chững lại trong đầu Quý 4/2018. Chi tiêu tiêu dùng tăng 3,6% so với số liệu lần đầu ở mức 4%. Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản giảm còn 1,5% trong Quý 3/2018, giảm so với mức 2,1% trong Quý 2/2018. (Reuters, 28/11)
  • Phát biểu với báo chí ngày 27/11, Phó Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Richard Clarida cho biết, FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản, một dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất trong tháng 12. Ông Clarida cũng khẳng định, lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu chững lại và nhiều khả năng FED sẽ giảm tiến độ tăng lãi suất trong năm 2019. (WSJ, 28/11)
  • Chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 11/2018 ở mức 135,7, giảm nhẹ so với tháng trước (137,9)  nhưng vẫn ở mức cao. Nhìn chung, người tiêu dùng vẫn khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế ổn định cho đến đầu năm 2019. Chỉ số này cũng phản ánh thị trường việc làm vững mạnh. (Washington Post, 27/11)
2. Trung Quốc:
  • Theo nghiên cứu của Nielsen, chỉ số Xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc tăng lên 112 điểm trong quý 3/2018, cho thấy xu hướng lạc quan về triển vọng công việc, tài chính cá nhân và khả năng sẵn sàng chi tiêu của người dân trung Quốc. Các kênh thương mại tiêu dùng phát triển mạnh, liên tục đổi mới các mô hình, trong đó, thương mại điện tử xã hội chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng. Theo số liệu của Nielsen, thương mại điện tử xã hội đã có sự tăng trưởng bùng nổ, tăng 439,2% so với cùng kỳ năm 2017. (China Daily, 29/11)
  • Khu thương mại tự do thí điểm Thượng Hải (FTZ) sau 5 năm thành lập đã đạt được kết quả tích cực. 72.000 tài khoản thương mại tự do đã được mở bởi hơn 38.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, và các khu thương mại xuyên biên giới, có giá trị lên tới 25,9 nghìn tỷ NDT. Hiện nay, thời gian xử lý hồ sơ thành lập doanh nghiệp FDI đã giảm từ 8 ngày làm việc xuống còn 1. Danh sách mặt hàng hạn chế kinh doanh chỉ còn 45 so với 145 mặt hàng khi thành lập. Vốn đầu tư mới tại FTZ đạt 6 tỷ USD vào năm 2017, đứng đầu trong số tất cả các FTZ trên toàn Trung Quốc. (ĐSQVN tại Trung Quốc, 29/11)
  • Theo số liệu từ Chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại quốc gia tăng lên 1,87% vào cuối tháng 9, từ 1,86% vào cuối tháng 6 và 1,74% so với cùng kỳ 2017. (SCMP, 28/11)
  • Chỉ số Nhà Quản trị mua sắm của Trung Quốc (PMI) đã giảm từ 50,2 điểm tháng 10 xuống còn 50 điểm tháng 11, lần đầu tiên trong 2 năm qua chỉ số này không tăng. (Reuters, 30/11)
3. Khu vực châu Âu:
  • Báo cáo ngày 28/11 của Ngân hàng TW Anh cảnh báo về kịch bản không đạt được thỏa thuận Brexit sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này. Cụ thể, nước Anh sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính và đồng Bảng Anh sẽ sụt giảm 25% giá trị, GDP của Anh sẽ giảm 8% trong Quý 1/2019, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 4,1% hiện nay lên 7,5%, giá nhà đất giảm 30%. Trong trường hợp Anh vẫn duy trì thương mại không rào cản với EU và không có thay đổi về cơ chế đi lại tự do với EU, nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Anh trong giai đoạn 2035-2036 sẽ giảm khoảng 0,6%. Thủ tướng Anh đã bắt đầu chiến dịch vận động ủng hộ thỏa thuận Brexit mới đạt được. (Reuters, 28-29/11)
  • Ngày 28/11, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho rằng việc Italia đề xuất cắt giảm thâm hụt ngân sách năm 2019 xuống còn 2,2% GDP (từ mức 2,4% GDP trước đó) vẫn là không đủ để tránh các biện pháp trừng phạt của EU. Ông cũng nhận định, các kế hoạch ngân sách của Chính phủ Italia đã khiến nền kinh tế nước này bị tổn thương khi làm gia tăng chi phí vay mượn. (Bloomberg, Reuters, 28/11)
4. Nhật Bản và Hàn Quốc:
  • Kinh tế Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019 do xuất khẩu suy yếu và đầu tư đình trệ. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2019, Viện thị trường vốn Hàn Quốc (KCMI) dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm xuống còn 2,6% trong năm 2019 và tiếp tục giảm còn 2,5% trong năm 2020, so với mức ước tính 2,7% tăng trưởng năm 2018. (Yonhap, 29/11)
  • Chính phủ và đảng cầm quyền Nhật Bản đang khẩn trương xem xét thay đổi toàn diện và triệt để cơ chế thuế đối với ô tô hiện nay, đặc biệt là thuế sở hữu. Cơ chế mới sẽ đánh thuế 3 giai đoạn đối với ô tô là mua xe, sở hữu xe và sử dụng xe. Phương châm của cơ chế thuế ô tô mới là giảm gánh nặng thuế đối với những loại xe thân thiện với môi trường, đồng thời thay đổi hành vi của người tiêu dùng từ sở hữu ô tô sang sử dụng ô tô, theo đó sẽ thúc đẩy được các loại hình ô tô chia sẻ, ô tô sử dụng chung (Nikkei Asian Review, 27/11)

5. ASEAN:

  • Phòng Kinh tế Công nghiệp Thái Lan dự đoán Chỉ số sản xuất công nghiệp (MPI) sẽ đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm 2019, song hành cùng với tăng trưởng trong đóng góp của ngành sản xuất đối với GDP  nước này. (Bangkok Post, 28/11)
  • Viện Nghiên cứu Kinh tế Ma-lai-xia dự báo tăng trưởng GDP Quý 4/2018 nằm trong khoảng từ 4,7 - 4,8% nhờ động lực chủ yếu từ tiêu dùng cá nhân nội địa. (The Borneo Post, 28/11)
  • Theo Norman V. Loayza, Kinh tế trưởng Nhóm nghiên cứu phát triển của Ngân hàng thế giới, mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào 2030, thu nhập cao vào 2050 của Căm-pu-chia là vô cùng tham vọng, đòi hỏi nước này phải đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Để đạt được mục tiêu này, GNI của Căm-pu-chia phải tăng gấp 3 trong 13 năm và tăng gấp 10 trong 33 năm. (Xinhua, 28/11)

B. KINH TẾ VIỆT NAM
  • Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2018 ước tính đạt 1,3 triệu lượt người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 11 tháng qua, khách đến từ châu Á vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, với 77,8% tổng số khách du lịch đến Việt Nam, đạt gần 11 triệu lượt người. Trong đó, khách đến từ Trung Quốc vẫn đạt số lượng lớn nhất với 4,5 triệu lượt người, khách đến từ Hàn Quốc chỉ xếp thứ hai với 3,1 triệu lượt người nhưng lại có mức tăng trưởng cao nhất trong tất cả các quốc gia, với mức tăng 46,5% so với cùng kỳ năm ngoái. (Thời báo kinh tế Việt Nam, 29/11)
  • Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng khi tỷ giá giao ngay tăng từ 23.315 lên lại mức đỉnh kỷ lục 23.365. Trong tuần 19-25/11, cặp tỷ giá này không chịu ảnh hưởng bởi biến động thị trường thế giới, với chỉ số đồng USD giảm so với các đồng tiền chủ chốt, thay vào đó tỷ giá trong nước bị dẫn dắt bởi các yếu tố nội tại bao gồm nhu cầu ngoại tệ tăng và thâm hụt thương mại giữa kỳ tháng 11 ở mức 377 triệu USD. (Thời báo kinh tế Sài Gòn, 29/11)

C. QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ
1. Mỹ
  • Tổng thống D.Trump nhắc lại lời đe dọa về việc áp thuế lên tới 25% đối với ô tô nhập khẩu và yêu cầu xem xét biện pháp đáp trả của Trung Quốc lên ô tô nhập khẩu từ Mỹ sau khi GM thông báo đóng cửa nhà máy tại Mỹ. Trump chỉ ra rằng lệnh áp thuế bấy lâu nay đối với xe bán tải nhập khẩu đã giúp các công ty Mỹ thống lĩnh thị trường này và tin rằng lệnh áp thuế lên ô tô nhập khẩu sẽ giúp ngăn chặn việc GM đóng cửa nhà máy tại Mỹ. Ngay sau đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thông báo Tổng thống D.Trump yêu cầu đánh giá riêng biệt về lệnh áp thuế 40% lên ô tô nhập khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc, trong đó 25% là do Trung Quốc đáp trả lại các lệnh áp thuế của Mỹ đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước này. Mỹ hiện đang áp mức thuế 27,5% lên ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc. (Bloomberg, 28/11)
2. Trung Quốc
  • Ngày 26/11, Trung Quốc và Đức cam kết tăng cường hợp tác tài chính và theo đuổi hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Cam kết trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz tại Berlin. Ông Lưu Hạc cho rằng, 2 nước có thể tận dụng tốt các cơ chế đối thoại hiện có, xác định các mối quan tâm chung và phát triển hợp tác song phương theo hướng ổn định và thiết thực. Bên cạnh đó, ông hoan nghênh việc có thêm nhiều thể chế tài chính Đức đầu tư và kinh doanh ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Đức tạo điều kiện cho các ngân hàng Trung Quốc hoạt động tại Đức. (Tân Hoa Xã, 26/11)
3. Châu Âu
  • Hy Lạp, Italia và Síp đã đạt được thoả thuận với Israel về dự án đường ống dẫn khí đốt từ Israel đến 3 nước này trong một nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Đường ống dẫn khí đốt Đông Địa Trung Hải dài khoảng 2.200km, có thể cung cấp 20 tỷ m3 khí ga/năm. Tổng giá trị dự án là hơn 7 tỷ USD và EU đã nhất trí đầu tư 100 triệu USD để làm nghiên cứu tiền khả thi cho dự án. (ĐSQVN tại Israel, Times of Israel, 26/11)
  • Ngày 27/11, EU đã kêu gọi Mỹ khởi động tiến trình đàm phán về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm tránh nguy cơ tổ chức quốc tế này bị đình trệ. Trước đó một ngày, EU đã công bố một loạt đề xuất về cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Đây là những đề xuất mà EU đã nhất trí với Ấn Độ, Trung Quốc cùng một số quốc gia khác, với hy vọng vượt qua những sự phản đối từ Mỹ, vốn đã đẩy WTO rơi vào khủng hoảng. (AFP, 27/11)
4. Việt Nam
  • Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa phê duyệt khoản tài trợ hơn 100 triệu đô la giúp Việt Nam lắp đặt tám hệ thống thủy lợi hiện đại ở 5 tỉnh (Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa và Ninh Thuận) bị ảnh hưởng bởi hạn hán, giúp cải thiện năng suất nông nghiệp, nhất là đối với những vùng canh tác các loại cây có giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, nho, thanh long và xoài. (Vietnamplus, 27/11)
  • Theo khảo sát của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư vào nước ta để lấy xuất xứ đã và đang diễn ra trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư vào các khu công nghiệp mới, trong đó đầu tư trực tiếp không lớn nhưng qua các doanh nghiệp Việt Nam thì lại rất lớn. Các doanh nghiệp chỉ sản xuất phần cuối để lấy xuất xứ Việt Nam. Bản thân chính quyền một số tỉnh của Trung Quốc đang thúc đẩy sự phát triển của các “khu vực phát triển kinh tế biên mậu” để đến biên giới nhiều nước có chung đường biên như Thái Lan, Myanmar và Việt Nam. (Thời báo kinh tế Sài Gòn, 29/11)
  • Trong phiên mở thầu nhập khẩu 203.000 tấn gạo 25% tấm của Philippines theo hình thức liên Chính phủ (G2G), Việt Nam tiếp tục trúng thầu bán 123.000 tấn gạo cho Philippines, trong khi Thái Lan được 80.000 tấn. Đại diện của Việt Nam thành công trong phiên thầu này là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). (Thời báo kinh tế Sài Gòn, 29/11)

D. BÀI PHÂN TÍCH
Tại sao Mỹ phớt lờ thỏa thuận thương mại tự do giữa Ca-na-đa và Việt Nam-một nền kinh tế phi thị trường. (Phân tích của Barrie McKenna, The Global and Mails, 25/11)

Đã có rất nhiều sự bất mãn trong nội bộ Ca-na-đa về cái được gọi là "điều khoản Trung Quốc" trong thỏa thuận thương mại gần đây của nước này với Mỹ và Mê-hi-cô. Theo Thỏa thuận Mỹ-Mê-hi-cô-Ca-na-đa (USMCA) mới được đề xuất, trường hợp một trong ba nước ký thỏa thuận thương mại tự do với một nước không được công nhận là nền kinh tế thị trường, các nước còn lại sẽ có quyền chấm dứt Thỏa thuận USMCA chỉ với một thông báo đưa ra trước 6 tháng.
Thủ tướng Ca-na-đa và các quan chức hàng đầu khác của Ca-na-đa đã khẳng định điều khoản này sẽ không hạn chế khả năng nước này theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại lại cho rằng phía sau điều khoản này tiềm ẩn điều gì đó đáng ngại hơn - một quyền phủ quyết của Mỹ đối với các chính sách thương mại trong tương lai của Ca-na-đa và Mê-hi-cô.
Mỹ vẫn coi Trung Quốc là một nền kinh tế phi thị trường vì cho rằng các chính sách của Chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế đầu tư nước ngoài và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đang bóp méo giá cả tại thị trường trong nước. Điều đáng chú ý đó là Mỹ cũng coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường. Và mới đây thôi, Ca-na-đa đã phê chuẩn một thỏa thuận thương mại lớn với Việt Nam và 10 quốc gia khu vực Vành đai Thái Bình Dương khác - Thỏa thuận toàn diện và tiến bộ cho Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà trong đó Mê-hi-cô cũng là một thành viên tham gia ký kết.
Vì vậy, nếu quả thực nước Mỹ có vấn đề với các nền kinh tế phi thị trường thì Ca-na-đa chắn chắn đã vấp phải nhiều chỉ trích từ chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-na Trăm thi ký kết CPTPP. Tuy nhiên, điều đó đã không hề xảy ra.
Có nhiều lý do có thể lý giải cho sự im lặng này. Một trong đó có lẽ do Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và các quan chức khác của Nhà Trắng đã quá bận rộn với các cuộc bầu cử giữa kỳ gần đây hoặc do những bất ổn liên tục bên trong chính quyền, điều khiến họ không chú ý đến việc Ca-na-đa đã phê chuẩn CPTPP. Một lý do khác có lẽ do Thỏa thuận USMCA vẫn chưa được ký kết (mặc dù Thỏa thuận này dự kiến được ký trong đầu tuần này).
Tuy nhiên, khả năng cao hơn lý giải sự im lặng của Mỹ là do điều khoản phi thị trường trong Thỏa thuận USMCA rõ ràng không nhắm đến các nền kinh tế phi thị trường, mà thực chất điều khoản này là một phần của cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Thỏa thuận USMCA cho phép các nước thành viên có quyền công nhận việc một nước có hoạt động như một nền kinh tế thị trường hay không. Xét cho cùng, nguyên nhân chính lý giải cho sự im lặng nói trên mang màu sắc chính trị.
“Điều kiện sáu điểm” mà Bộ Thương mại Mỹ thường áp dụng để xác định liệu một quốc gia có hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường hay không mang tính chủ quan cao. Điều kiện này đánh giá dựa trên các yếu tố như cơ chế thiết lập mức lương và mức giá, đặc điểm của đồng tiền của quốc gia đó, các chính sách hạn chế đầu tư nước ngoài và vai trò của quyền sở hữu chính phủ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thực tế không có quy tắc cứng về cách áp dụng điều kiện này. Ví dụ, mức độ can thiệp của nhà nước hoặc kiểm soát quyền sở hữu nước ngoài được cho phép đến đâu? Trên thực tế, hầu hết các quốc gia đều thường xuyên sử dụng các biện pháp này.
 Điều khoản phi thị trường của Thỏa thuận USMCA được đưa ra là do chính quyền Tổng thống Trăm muốn cô lập Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ cho rằng đã lợi dụng hệ thống thương mại toàn cầu để trục lợi trong những năm qua. Mỹ sẵn sàng áp đặt một làn sóng thuế quan khác, có thể lên đến 25%, đối với hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc.
Ca-na-đa không phải quốc gia duy nhất tỏ ra lo lắng về ngôn từ được sử dụng trong Thỏa thuận USMCA. Một số nhóm chuyên gia tư vấn cho Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã bày tỏ lo ngại về điều khoản phi thị trường trong Thỏa thuận này. Ủy ban Tư vấn Thương mại Công nghiệp về Dịch vụ - gồm các công ty như Visa, FedEx, Walmart và Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - đã lên tiếng phản đối điều khoản này, gọi đây là "công cụ cùn để thực hiện các thay đổi chính sách" và có thể làm tổn thương chính các công ty Mỹ.
Một Ủy ban tư vấn khác đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ cảnh báo Chính quyền Trăm rằng, điều khoản nói trên có thể sẽ giết chết Thỏa thuận USMCA nếu Ca-na-đa theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. Điều đó sẽ khiến các công ty Mỹ phải chịu mức thuế cao hơn đối với hàng xuất khẩu của họ.
Ngoại trừ tác dụng biểu tượng “chọc giận” Trung Quốc, điều khoản nền kinh tế phi thị trường của Thỏa thuận không mang lại ý nghĩa gì khác và có rất ít khả năng Mỹ sẽ sử dụng điều khoản này. Không một Tổng thống Mỹ nào muốn “giết chết” thỏa thuận USMCA chỉ vì Ca-na-đa đạt được những thỏa thuận tốt hơn cho xuất khẩu lúa mỳ và gỗ của họ sang Trung Quốc.
Điều tồi tệ hơn đó là điều khoản này thậm chí sẽ phản tác dụng. Trung Quốc được cho là đang quan tâm đến việc gia nhập CPTPP, một động thái sẽ buộc nước này phải tuân thủ các quy tắc thương mại chặt chẽ hơn. Đó mới chính là điều mà nước Mỹ cần hướng tới. Vì dù gì đi chăng nữa, nước Mỹ là nước đã tham gia xây dựng các quy tắc của Hiệp định CPTPP, trước khi Tổng thống Trăm đột ngột rút ra khỏi Thỏa thuận này vào năm ngoái. Tuy nhiên điều không may mắn cho nước Mỹ đó là việc Oa-sinh-tơn sẽ không có quyền can thiệp vào việc Trung Quốc tham gia Hiệp định CPTPP - Hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất thế giới./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 1.1 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập939
  • Hôm nay87,077
  • Tháng hiện tại10,701,372
  • Tổng lượt truy cập470,594,059
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây