Năm 2024, trong nước vừa chịu tác động từ những biến động bên ngoài vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp, gây khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống và việc làm của người dân trong tỉnh.
Các đại biểu dự phiên họp chất vấn sáng 6-12
Với tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt; cùng với sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, ngành, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch đề ra
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế ước đến hết năm 2024 chuyển dịch tích cực, đúng hướng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 108,4 triệu đồng, tăng 13,4% so với năm 2023. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện cả năm 2024 là 38.500 tỷ đồng, tăng 15,65% so với năm 2023. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024 ước đạt 30 dự án với số vốn 500 triệu USD, đạt 125% kế hoạch năm. Các dự án trọng điểm được quan tâm, tập trung triển khai các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền thông tin thêm một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội và báo cáo, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chăn nuôi phát triển mạnh mẽ theo đúng quy hoạch và định hướng. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng cao; thương mại - dịch vụ phát triển.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chăm lo. Công tác an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả. Giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số được chú trọng; ước thực hiện năm 2024 giảm 500 hộ nghèo (tương ứng 0,18%), đạt 100% kế hoạch năm.
Cải cách thủ tục hành chính được thực hiện quyết liệt và nâng cao hiệu quả. Hoạt động chuyển đổi số được đẩy mạnh, chính quyền số được phát triển. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2024 ước đạt 10%. Bình Phước đạt giải Chính quyền số xuất sắc ASOCIO 2024.
Về công tác chuyển đổi số, từ ngày 1-11-2024, triển khai thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VneID. Mạng di động 3G/4G được phủ sóng 100% thôn, ấp; triển khai 40 trạm 5G tại khu công nghiệp, khu trung tâm hành chính cấp tỉnh, huyện; 36/54 trạm phát sóng thông tin di động trên chiều dài 176km đường tuần tra biên giới. Đến ngày 15-11-2024, Bình Phước xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố về Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công, đạt 87,9 điểm, tăng 20,04 điểm và tăng 42 bậc so với năm 2023.
|
Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Tình hình ngoại biên và an ninh trên tuyến biên giới được giữ vững ổn định. Tăng cường công tác kết nối, mở rộng mối quan hệ hữu nghị hợp tác với các đối tác, địa phương tại Trung Quốc, Singapore.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Trong 22 chỉ tiêu chủ yếu theo nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, dự kiến có 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch gồm: Thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư, số xã nông thôn mới tăng thêm trong năm. Một số hạn chế, vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài chưa được tháo gỡ, giải quyết triệt để.
Giải trình về những vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế của tỉnh quy mô còn khiêm tốn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu với các tác động tiêu cực còn rất hạn chế. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, có tâm lý e ngại, chờ đợi xem xét tình hình thị trường, chưa sẵn sàng tham gia vào sản xuất - kinh doanh. Các văn bản của trung ương có nhiều thay đổi, hướng dẫn thực hiện chưa kịp thời dẫn đến việc triển khai tại địa phương có vướng mắc. Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã có hiệu lực thi hành nhưng hệ thống văn bản hướng dẫn vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ.
Đối với kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, UBND tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở gấp rút hoàn thành các chỉ tiêu trên. Đối với những vấn đề còn vướng ở cấp cao hơn, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ và đang chờ giải pháp, cơ chế để giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP trên 9%
Về nhiệm vụ năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết: Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Tiếp tục nắm chắc tình hình, tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 trên 9%, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, tập trung trí tuệ tập thể, xây dựng kế hoạch phát triển cho giai đoạn tới đảm bảo phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển của địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, nhất là thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các sở, ngành phải thực sự vào cuộc, chủ động tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, từng doanh nghiệp cụ thể, không nói chung chung. Tập trung khắc phục các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia với tinh thần “5 quyết tâm, 5 đảm bảo, 5 rõ” như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Song song đó, sẽ triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư đối với 2 dự án cao tốc và các dự án trọng điểm. Tiếp tục rà soát, đề xuất Chính phủ phương án xử lý đối với việc chồng lấn quy hoạch bô xít nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với công tác quản lý nhà nước, UBND tỉnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.