Theo Kho bạc Nhà nước, Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 theo Quyết định số 138/QĐ-TTg, ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã gần kết thúc và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Để triển khai xây dựng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi và biến động không ngừng rất cần phải có sự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, đánh giá thật kỹ lưỡng; trên cơ sở đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030.
|
Ông Sandeep Saxena, Chuyên gia cao cấp, Vụ Các vấn đề tài khóa của IMF đánh giá về những kết quả đạt được và định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030 của Kho bạc Nhà nước
(Ảnh: TTXVN) |
Phát biểu tại hội thảo, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, ông Tạ Anh Tuấn cho rằng, nền tài chính công Việt Nam đang được đổi mới ngày càng minh bạch, hiệu quả bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Với chức năng quản lý Quỹ Ngân sách Nhà nước và Quỹ Tài chính Nhà nước, huy động vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển..., hệ thống Kho bạc Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong kết quả quản lý tài chính công.
Kho bạc nhà nước đã tích cực cải cách, hiện đại hóa một cách đồng bộ cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và tăng cường đổi mới công nghệ thông tin. Qua đó có những đóng góp tích cực vào công cuộc quản lý tài chính công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, khả năng kiểm tra, giám sát ngân sách và hoạt động quản lý tài chính nhà nước…
Ông Tạ Anh Tuấn cho biết, Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước cũng là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển của ngành tài chính trong thời gian tới. Đối với giai đoạn 2021 – 2030, dự thảo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng hệ thống kho bạc tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với 3 trụ cột chính gồm: tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc khu vực; nghiên cứu mô hình kho bạc hai cấp; nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, hướng tới hình thành kho bạc số.
Nhìn nhận về những kết quả đạt được và định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 của Kho bạc Nhà nước, ông Sandeep Saxena – chuyên gia cao cấp, Vụ Các vấn đề tài khóa của IMF cho rằng, Kho bạc Nhà nước đã đạt được những thành quả đáng mừng trong việc phát triển những năng lực cốt lõi và xây dựng một nền tảng vững mạnh cho những đổi mới tiếp theo.
Theo ông Sandeep Saxena, mục tiêu đến năm 2030, Kho bạc Nhà nước sẽ trở thành một Kho bạc điện tử hoàn thiện trên mọi phương diện và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng như: các báo cáo phân tích định kỳ về chấp hành ngân sách, cổng dữ liệu mở; các báo cáo ngân sách thường lỳ phục vụ công chúng.
Kho bạc Nhà nước cũng hướng tới mục tiêu cung cấp một loạt dịch vụ tư vấn quản lý tài chính công cho các cơ quan, đơn vị khác thuộc Chính phủ.
Đánh giá về việc quản lý Quỹ ngân sách nhà nước ở Việt Nam, chuyên gia cố vấn của IMF, ông Mark Silins cho rằng, trong giai đoạn 2011 – 2020, việc quản lý Quỹ Ngân sách Nhà nước đã đạt được nhiều tiến bộ.
Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc được triển khai và sử dụng cho việc kiểm soát và báo cáo Quỹ Ngân sách Nhà nước, với kiến trúc chắc chắn và năng lực thực hiện mạnh. Hiện nay, có khoảng 30.000 đơn vị sử dụng ngân sách được kết nối với hệ thống này thông qua cổng dịch vụ công. Nhiều giao diện được kết nối với hệ thống ngân hàng, vì vậy có đến 94% chi ngân sách được thanh toán trực tiếp vào tài khoản ngân hàng, 98% thu ngân sách qua phương thức điện tử…/.