hoi thi sngoaivu

Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản

Thứ tư - 06/11/2019 08:53 2194
(TTĐN) - Ngày 4/11 tại Thái Lan, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 22 và Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 11.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Nhật Bản chụp ảnh chung tại hội nghị.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Nhật Bản chụp ảnh chung tại hội nghị.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 22: Với tư cách nước điều phối, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chính, đánh giá toàn diện quan hệ Đối tác Chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN-Nhật Bản.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng đánh giá quan hệ hai bên được đẩy mạnh toàn diện, đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều hoạt động được triển khai như hợp tác an ninh biển, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, hợp tác quốc phòng, chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, nâng cao năng lực pháp luật...

Trong hợp tác kinh tế, Nhật Bản là đối tác thương mại đứng thứ 4, nhà đầu tư thứ 2 của ASEAN, nhà cung cấp ODA hàng đầu cho nhiều nước ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác bảo vệ môi trường biển, ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm, xử lý rác thải, chăm sóc y tế cho người cao tuổi, năng lượng sạch, phát triển bền vững ở Mekong...; hoan nghênh gắn kết Kế hoạch Tổng thể kết nối ASEAN 2025 với Chương trình Đối tác mở rộng hạ tầng chất lượng cao và trông đợi hợp tác cụ thể; đánh giá cao hỗ trợ qua Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản (JAIF) tăng cường trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, doanh nghiệp...

Đề cập tới tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu quan điểm của ASEAN về các nội dung liên quan tới Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên...

Chia sẻ đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao quan hệ với Nhật Bản và nhất trí phát huy hơn nữa mối quan hệ này. Các nước đề nghị tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như kết nối, nhất là kết nối cơ sở hạ tầng, hợp tác thành phố thông minh, an ninh mạng, chống khủng bố, phục hồi sau thảm họa, hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển...

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN; ủng hộ văn kiện Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có vai trò trung tâm ASEAN, và nhất trí tăng cường hợp tác toàn diện với ASEAN.

Thủ tướng Nhật Bản đề nghị các nước thông qua Tuyên bố chung Về kết nối; thông báo các sáng kiến hợp tác quan trọng, trong đó có tăng nguồn lực tài chính hỗ trợ cho ASEAN, tổ chức đào tạo về an ninh mạng, hợp tác thúc đẩy thành phố thông minh, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, khai thác cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, rác thải nhựa, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, giao lưu người dân, văn hóa và chăm sóc sức khỏe người dân...

Thủ tướng Abe nhấn mạnh ASEAN và Nhật Bản cần nỗ lực đóng góp củng cố hệ thống thương mại đa phương tự do rộng mở, công bằng và dựa trên luật lệ và hoan nghênh tiến bộ trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thủ tướng Abe bày tỏ ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, trong đó có khẳng định lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, tự do an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.

Kết thúc hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 22 về kết nối.

                                        

                                                Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Mekong-

                                                                 Nhật Bản lần thứ 11. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 11: Lãnh đạo các nước đánh giá cao hợp tác Mekong-Nhật Bản, cho rằng sau 11 năm, mối quan hệ này đạt kết quả tốt đẹp. Hàng trăm dự án cụ thể được triển khai, đóng góp hiệu quả vào phát triển và thịnh vượng khu vực Mekong và cả Đông Nam Á.

Các nước Mekong đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong thúc đẩy kết nối khu vực, thông qua nhiều hoạt động có bản sắc riêng như các sáng kiến “Đối tác vì hạ tầng chất lượng cao”, “Thập kỷ hướng tới Mekong xanh”.

Trao đổi về phương hướng hợp tác, các nước cam kết đẩy mạnh triển khai Chiến lược Tokyo 2018 đồng thời với việc triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) trong tổng thể khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và Kế hoạch Tổng thể Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyarwady - Chau Phraya-Mekong (ACMECS).

Các nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hơn nữa kết nối, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ môi trường, giảm thiểu hậu quả thiên tai, gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong; tăng cường hợp tác với Ủy hội sông Mekong nhằm hiện thực hóa Mekong xanh và “Sáng kiến Hợp tác Mekong-Nhật Bản về phát triển bền vững SDGs hướng tới 2030”, áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển đời sống kinh tế-xã hội tại Mekong.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh sáng kiến thiết lập “Đối tác Năng lượng khu vực Mekong” (JUMPP) của Nhật Bản và Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ các nước Mekong phát triển năng lượng một cách bền vững.

Liên quan tới hợp tác kinh tế, các nước nhấn mạnh tính cấp thiết của kết nối số giữa các nền kinh tế Mekong và Nhật Bản; đánh giá cao phê duyệt Tầm nhìn Về phát triển công nghiệp Mekong 2.0 (MIDV2.0).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hỗ trợ của Nhật Bản dành cho các nước Mekong, khẳng định quan hệ này đã góp phần quan trọng cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở Mekong và ở cả Đông Nam Á.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số định hướng cho phát triển hợp tác Mekong-Nhật Bản, theo đó hai bên cần tranh thủ nguồn vốn của khu vực tư nhân, tăng cường nguồn lực cho trụ cột Mekong xanh, nâng cao chất lượng hạ tầng các nước Mekong và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Riêng về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam và ASEAN.

Nhấn mạnh  tầm quan trọng của Biển Đông đối với khu vực, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các nước đề cao luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, kiềm chế, đối thoại hợp tác vì an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 11 và Sáng kiến Mekong-Nhật Bản về các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030./.

Nguồn tin: Tuấn Hồng theo TTXVN:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,281
  • Hôm nay187,694
  • Tháng hiện tại10,488,201
  • Tổng lượt truy cập372,494,004
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây