Chuyên gia bình luận quốc tế Grigory Trofilmchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á - Âu của Nga đánh giá cao cách tiếp cận yêu chuộng hòa bình và vai trò tích cực của Việt Nam trong việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội.
Ông Trofilmchuk nhấn mạnh: “Về cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội, ta có thể thấy vai trò tích cực của Việt Nam trong việc tổ chức cuộc gặp này, với tư cách là bên trung gian".
Giám đốc Chương trình Câu lạc bộ “Valdai” Ivan Timofeev khẳng định Việt Nam đóng vai trò trung gian rất quan trọng với tư cách nước chủ nhà tổ chức cuộc đàm phán quan trọng bậc nhất đối với an ninh khu vực.
Ngoại trưởng LB Nga Sergei Lavrov nhận định: Được lựa chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều lần 2 vì Việt Nam đang tiến hành chính sách đối ngoại rất có trách nhiệm, là đất nước cởi mở cho hợp tác với tất cả các bên. Việt Nam chung thủy với bạn bè và không muốn đối đầu với bất cứ nước nào. Bầu không khí thân thiện tại Việt Nam rất thuận lợi cho các cuộc đàm phán chính trị.
Chuyên gia Shawn Ho hiện (nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề liên quan tới Triều Tiên tại Trường Rajaratnam thuộc Đại học Nang Yang Singapore) cho biết: Có nhiều yếu tố giải thích vì sao cuộc gặp thứ hai (Hoa Kỳ - Triều Tiên) diễn ra tại Hà Nội. Trước hết, Việt Nam đã từng có cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ giống như Triều Tiên. Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ sau chiến tranh và hiện giờ nó (quan hệ đó) rất tốt. Nó chứng tỏ Triều Tiên và Hoa Kỳ cũng có thể tiến tới bối cảnh khác về quan hệ giữa những cựu thù và theo chiều hướng trở nên tốt đẹp hơn.
Thứ hai, quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam kể từ năm 1986 là một ví dụ thú vị đối với Triều Tiên trong việc thay đổi mô hình kinh tế, xã hội của mình.
Một lý do rất quan trọng khác là Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ và Triền Tiên. Cả hai nước đều có đại sứ quán đặt tại Hà Nội. Với một cuộc gặp lớn như thế này thì sẽ cần rất nhiều các nghi thức ngoại giao, đảm bảo an ninh, hậu cần… các vấn đề này cần phải được sắp xếp. Việc có đại sứ quán đóng trên địa bàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sắp xếp này.
Ông Hunter Marston, nguyên trợ lý nghiên cứu cấp cao của viện Brookings cho biết: Việc Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra sự kiện quan trọng này cho thấy vị thế ngoại giao ngày càng tăng của Việt Nam.
Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN, là nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong ASEAN và cũng là đối tác ngoại giao quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á, có quan hệ tốt với các cường quốc khác trong như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản...
Ông Marston nhận định đây là cơ hội tốt để Việt Nam nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế và cho thấy khả năng tổ chức thành công các sự kiện lớn như hội nghị của ASEAN và Diễn đàn APEC năm 2017 ở Đà Nẵng; đồng thời là thời điểm quan trọng để Việt Nam phát huy vai trò của mình, góp phần vào hòa bình của khu vực và thế giới.
Bà Amy Searight - Cố vấn cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện CSIS cho rằng Việt Nam đã cho thấy khả năng tổ chức thành công nhiều hội nghị thượng đỉnh cũng như các sự kiện lớn.
Theo ông Richard Cronin, Cố vấn phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương của Viện Stimson, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ -Triều Tiên lần hai là cơ hội để Việt Nam thể hiện tiềm năng phát triển kinh tế.
Ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình dương tại Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge của Hoa Kỳ khẳng định, mặc dù không đóng vai trò cụ thể trong Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, nhưng sự kiện này cho thấy vị thế quốc tế đang lên của Việt Nam, cũng như vai trò của Việt Nam là một nước có quan hệ tích cực với nhiều cường quốc./.