LỢI KÉP TỪ SỐ HÓA GIÁO DỤC
Triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, ngành GD&ĐT là đơn vị đi đầu trong thực hiện thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Từ năm học 2022-2023, ngành giáo dục Bình Phước đã đẩy mạnh triển khai phương thức thu học phí không dùng tiền mặt đến tất cả trường học trong tỉnh. Đến nay, hầu hết các trường, ngay cả những trường ở vùng sâu, vùng xa đều đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, mang đến lợi ích không nhỏ cho phụ huynh và nhà trường.
VietinBank Bình Phước triển khai các chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt
Thay vì đóng học phí trực tiếp tại trường, hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm như mọi năm thì năm học này, chị Huỳnh Thị Cẩm Nhung, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành chọn phương thức đóng học phí cho con qua quét mã QR. “So với hình thức thanh toán học phí truyền thống, nộp học phí online không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn góp phần giảm chi phí” - chị Nhung chia sẻ.
Nhà mạng VNPT đang đẩy mạnh hợp tác, triển khai nhiều chương trình chuyển đổi số trong giáo dục, trong đó có giải pháp thanh toán học phí qua QR code VnEdu
Năm học này, Trường tiểu học Chơn Thành A, thị xã Chơn Thành có 1.400 học sinh ở 5 khối lớp. Để đạt mục tiêu 100% trường học đóng học phí qua quét mã QR, trường đã thực hiện đa dạng các kênh tuyên truyền cùng với tổ chức tập huấn, hướng dẫn phụ huynh cách thức thực hiện. Đến nay, tỷ lệ phụ huynh sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến và qua mã QR đạt hơn 90%. Việc triển khai thu học phí không dùng tiền mặt qua QR code VnEdu đã giúp kết nối giữa kế toán - hiệu trưởng và phụ huynh. Kế toán nhà trường lập khoản thu, xuất hóa đơn; hiệu trưởng giám sát; phụ huynh nhận thông báo và nộp tiền trực tuyến. “Hình thức thanh toán này bảo đảm công khai, minh bạch tài chính, giúp nhà trường quản lý các khoản thu khoa học, hiệu quả hơn” - chị Lê Thị Nga, kế toán Trường tiểu học Chơn Thành A cho biết.
Bà Hoàng Thị Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chơn Thành A cho rằng: Thay đổi thói quen đóng học phí không chỉ đem lại sự thuận lợi, giúp nhà trường giảm áp lực về nhân sự và thời gian sau mỗi đợt thu học phí mà giáo viên chủ nhiệm cũng giảm áp lực, tập trung cho công tác giảng dạy. Đa số phụ huynh rất đồng thuận với chủ trương này.
Phụ huynh đóng học phí qua hình thức quét mã QR giúp giáo viên chủ nhiệm giảm áp lực, dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy
Với 2.049 học sinh đang học tại các khối lớp, những năm học trước, giáo viên Trường THCS và THPT Minh Hưng, thị xã Chơn Thành mất khá nhiều thời gian cho việc thu, nộp, kiểm đếm tiền học phí. Ông Phan Minh Chánh, Hiệu trưởng trường cho biết: Việc thay đổi hình thức đóng học phí giúp nhà trường giảm áp lực về nhân sự và thời gian, tăng hiệu quả quản lý tài chính đối với các khoản thu, chi. Trường cũng thường xuyên phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ cập nhật thông tin của học sinh trên hệ thống, phục vụ cho việc hoàn thiện dữ liệu học sinh lên phần mềm quản lý học phí. Việc làm này tạo sự minh bạch trong thu, chi tài chính và góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động nhà trường.
“Các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số đang được Phòng GD&ĐT thị xã Chơn Thành nhân rộng, phù hợp điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của mỗi trường. Ngoài triển khai thu học phí không dùng tiền mặt đến 100% trường trên địa bàn, ngành giáo dục thị xã đã thúc đẩy ứng dụng hiệu quả công nghệ vào quản lý và giảng dạy. Đây là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục của thị xã” - ông Nguyễn Văn Diễn, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Chơn Thành chia sẻ.
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện các khoản thu, chi trong nhà trường. Từ đó phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy và học, góp phần công khai, minh bạch tài chính, tiến tới số hóa trường học, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục.
THANH TOÁN TRỰC TUYẾN BAO PHỦ CÁC LĨNH VỰC
Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025, tỉnh đang triển khai đa dạng các hình thức. Thông qua các ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking, QR code, ví điện tử, thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ…, người dân đều có thể thanh toán cho các dịch vụ, nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày như: điện, nước, cước phí điện thoại, vé xe/tàu/máy bay, khám chữa bệnh, mua sắm hàng hóa trong siêu thị/cửa hàng tiện lợi, mua hàng online… nhanh chóng, thuận tiện.
Người dân Bình Phước lựa chọn phương thức thanh toán trực tuyến ngày một tăng
“Nếu như 3 năm trước, đa số người dân mua sắm trực tiếp và thanh toán tiền mặt, thì nay đã sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Một điểm thuận lợi là gần như hơn 90% cơ sở kinh doanh tại thành phố Đồng Xoài đều có mã QR và thanh toán chuyển khoản. Thậm chí, những điểm buôn bán nhỏ như quán cà phê, quán ăn sáng, xe bánh mì... cũng đều có mã QR để khách thuận tiện thanh toán khi mua hàng”.
Chị ĐẶNG THỊ NGA, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài
|
Với quyết tâm đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen tự nhiên trong đời sống thường nhật, hiện nay tất cả dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh đều đã chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến. Điển hình như tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện đang triển khai không thu tiền mặt trong thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh.
Công ty Điện lực Bình Phước đã triển khai thanh toán trực tuyến tiền điện cho gần 100% hộ sử dụng điện; Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước đã chuyển hoàn toàn sang thanh toán trực tuyến; 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều đã có điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; ngành thuế cũng đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép người nộp thuế giao dịch và thanh toán điện tử…
Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán trực tuyến, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai các chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt như giảm phí dịch vụ, liên tục cập nhật công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang góp phần quan trọng lan tỏa tiện ích của những phương thức thanh toán hiện đại tới cộng đồng, qua đó nâng cao chất lượng đời sống người dân, hướng đến mục tiêu xã hội số trong tương lai không xa.