Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh mà nòng cốt là lực lượng công an, các tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 cấp cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT). Cùng với đó tuyên truyền về các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNelD bước đầu đã được người dân tiếp cận, sử dụng ứng dụng phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như: sử dụng thông tin về cư trú, thông tin thẻ CCCD gắn chip và các loại giấy tờ cá nhân đã được tích hợp vào tài khoản ĐDĐT để thực hiện các giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên các nền tảng công nghệ; thực hiện thông báo lưu trú, phản ánh kiến nghị về an ninh, trật tự, khai báo y tế thông qua ứng dụng VNelD... Từ những tiện ích này đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển công dân số, phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Điểm thu nhận hồ sơ và cấp tài khoản ĐDĐT cho công dân tại trụ sở Công an phường Tân Phú (TP. Đồng Xoài) - Ảnh: Nhã Trâm
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tắt sóng 2G và các thuê bao sử dụng thiết bị điện thoại mạng 2G (từ 1-9-2024) sẽ không sử dụng được trên hệ thống băng tần 900MHz để nghe, gọi liên lạc nhằm đẩy mạnh thực hiện các “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến”, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp dừng nhập khẩu điện thoại 2G, 3G thay vào đó điện thoại sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp công nghệ 4G (e-Utra).
Theo thống kê từ Bộ Công an, tính đến ngày 25-3-2024, toàn tỉnh đã cấp CCCD cho 846.048/873.007 công dân trên 14 tuổi (số công dân biến động khó thu nhận hồ sơ cấp CCCD là 11.207 công dân và công dân sinh năm 2010 đến tuổi cấp CCCD lần đầu là 15.752 công dân). Đã thu nhận hồ sơ định danh điện tử đối với 600.803/846.048 công dân có CCCD đạt 71,02% (đạt và vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao), hiện còn 245.245 công dân đã có thẻ CCCD nhưng chưa thu nhận hồ sơ ĐDĐT. Qua đó, đã kích hoạt tài khoản đối với 515.959/600.803 công dân, đạt 85,88%, hiện còn 84.844 công dân chưa kích hoạt tài khoản ĐDĐT.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.304.440 thuê bao chính chủ với 56.943 cá nhân có sử dụng chữ ký số (trong đó 3.713 chữ ký số cá nhân thuộc khối Đảng và Nhà nước, 53.230 chữ ký số của người dân và doanh nghiệp), chiếm tỷ lệ 6,5% dân số trưởng thành (56.943/872.831 người dân trên 14 tuổi), hiện có 1.092.712/1.304.440 thuê bao sử dụng thiết bị điện thoại thông minh (đạt 84%), còn 211.728 thuê bao người dân đang dùng các thiết bị điện thoại sử dụng sóng 2G.
“4 phủ”
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 tại các sở, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đối số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đợt cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ” trên địa bàn tỉnh.
4 phủ gồm: Phấn đấu 100% người dân đủ điều kiện được cấp CCCD; được kích hoạt ĐDĐT; sử dụng sim chính chủ kèm chữ ký số; người dân sử dụng smartphone 4G thay thế các điện thoại 2G tắt sóng sau 1-9-2024.
|
Đợt cao điểm nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng về tiện ích của việc sử dụng CCCD, tài khoản ĐDĐT qua ứng dụng VNelD, sim điện thoại chính chủ kèm chữ ký số, sử dụng thiết bị smartphone 4G trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, giúp người dân có “giấy tờ điện tử mang tính pháp lý” để thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy và có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi trên nền tảng điện tử, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu hình thành xã hội số, công dân số. Từ đó, tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia, sử dụng ứng dụng VNelD, tài khoản ĐDĐT phổ biến trong thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự hàng ngày.
Đối tượng thực hiện là công dân hiện đang sinh sống, làm việc, lao động trên địa bàn tỉnh đã được, chưa được cấp thẻ CCCD gắn chip, chưa có tài khoản ĐDĐT hoặc chưa kích hoạt, sử dụng tài khoản ĐDĐT mức độ 1, 2, chưa có sim điện thoại hoặc có nhưng chưa đăng ký chính chủ kèm tích hợp chữ ký số điện tử, đang sử dụng các điện thoại sóng 2G hoặc chưa có điện thoại di động thông minh.
Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, tập trung nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đợt cao điểm sẽ thu nhận hồ sơ cấp CCCD, kích hoạt tài khoản ĐDĐT, hỗ trợ tặng sim điện thoại đăng ký chính chủ kèm chữ ký số, hỗ trợ cung cấp điện thoại smartphone 4G giá ưu đãi cho mọi công dân trên địa bàn tỉnh.
Huy động mọi nguồn lực để về đích
Để hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp CCCD cho công dân sinh trước tháng 7-2010 đủ tuổi cấp lần đầu và 80% công dân biến động khó thu nhận hồ sơ cấp CCCD; phấn đấu 90% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh 4G và trên 50% dân số trưởng thành sử dụng sim chính chủ có tích hợp chữ ký số có rất nhiều giải pháp được đưa ra.
Cấp căn cước công dân cho học sinh trên địa bàn xã Tiến Hưng (TP. Đồng Xoài) - Ảnh: Nhã Trâm
Hiện từng sở, ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng vũ trang chủ động tuyên truyền với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, ưu tiên tuyên truyền gắn với hướng dẫn và vận động trực tiếp; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống phát thanh cơ sở, các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử địa phương, các cuộc họp chi bộ tại các cơ sở đảng, tổ dân phố; tuyên truyền trực quan thông qua pano, áp phích, băng rôn, bảng điện tử tại trụ sở các cơ quan, đoàn thể, UBND các cấp, tại bộ phận một cửa các cấp; tại các nhà văn hóa cộng đồng, các điểm hỗ trợ, cửa hàng giao dịch trực thuộc các doanh nghiệp viễn thông...
UBND cấp huyện yêu cầu UBND cấp xã chỉ đạo tổ công nghệ số cộng đồng và tổ công tác triển khai Đề án 06/CP cấp xã, thôn, ấp, khu phố phân công lực lượng phối hợp nhân viên kinh doanh và lực lượng cộng tác viên dịch vụ viễn thông tại địa bàn cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện đăng ký, kích hoạt ĐDĐT theo danh sách do công an cấp xã cung cấp, kết hợp vận động đăng ký mua smartphone 4G giá ưu đãi (nếu chưa có), đăng ký sim chính chủ tích hợp chữ ký số. Ngoài ra còn huy động các lực lượng thanh niên, phụ nữ, MTTQ phối hợp hỗ trợ thực hiện theo phương châm “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn, hỗ trợ, vận động từng trường hợp cụ thể” nhằm thực hiện chủ trương, mục tiêu “4 phủ” đạt hiệu quả.
Bố trí trang thiết bị và thành lập các tổ thu nhận hồ sơ cấp CCCD và tài khoản ĐDĐT mức 2 (cố định và lưu động) kèm đăng ký sim chính chủ tích hợp chữ ký số để thông báo cụ thể về thời gian, địa điểm và lịch trình hoạt động của các Tổ công tác rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động thực hiện.
Phối hợp với Viettel Bình Phước tận dụng nguồn lực xã hội hóa để triển khai nhanh, kịp thời cho người dân, đồng thời có các chính sách ưu đãi về hỗ trợ giá thiết bị smartphone 4G, sim, chữ ký số đến người dân; tổ chức phân công nguồn nhân lực, cộng tác viên dịch vụ viễn thông cơ sở phối hợp với lực lượng công an các cấp cùng tham gia các nhiệm vụ theo hướng “làm đến đâu, thực hiện cuốn chiếu đảm bảo hiệu quả đến đó”.
Kịp thời khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, vượt chỉ tiêu giao; không xem xét thi đua, khen thưởng đối với những đơn vị không báo cáo, báo cáo không đúng thực tế, đề xuất đưa vào tiêu chí xét thi đua của tập thể năm 2024 nếu thiếu tinh thần trách nhiệm.
Đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các giải pháp, tập trung nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện “4 phủ” trên toàn tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đề án 06/CP và các nhiệm vụ chuyển đổi số đề ra. Đây là xu hướng tất yếu hiện nay để hòa nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.