Hoc tap bac

Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018: Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em

Thứ hai - 28/05/2018 14:55
Sáng 27/5, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Phú Thọ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”. Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Văn Quang; Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cùng đại diện Lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan, các Tổ chức quốc tế cùng hơn 350 em nhỏ đại diện cho gần 26 triệu trẻ em Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu chụp ảnh cùng các em nhỏ tại Lễ phát động
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu chụp ảnh cùng các em nhỏ tại Lễ phát động
          Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà trường, gia đình trong việc thực hiện quyền được bảo vệ, được sống an toàn, lành mạnh của trẻ em; thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích và thực hiện một mùa hè an toàn cho trẻ em. Đây cũng là dịp để chúng ta đánh giá kết quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhìn nhận những mặt được và chưa được trong thời gian qua, đề xuất giải pháp trong thời gian tới.
          Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian gần đây đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách; triển khai các giải pháp, mô hình quản lý và dịch vụ công để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; đồng thời giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Các bộ, ngành, tổ chức và chính quyền các địa phương đã chủ động hơn trong chăm lo cho trẻ em. Tuy nhiên, bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó có vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trẻ em bị tử vong do đuối nước, do tai nạn giao thông vẫn xảy ra thường xuyên. Bạo lực trẻ em trong trường học, ở cộng đồng, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em và gia đình, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi  Lễ phát động
          Theo Thứ trưởng, để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ trẻ em, vì lợi ích tốt nhất của các em, công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho các thành viên trong gia đình, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ và ngay cả đối với chính các em là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, phải thực thi tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; thực hiện đầy đủ, đúng quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại; chủ động thông tin, tố cáo những vụ việc, hành vi vi phạm quyền trẻ em với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp để các tổ chức, gia đình, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết theo quy định của Luật trẻ em và các văn bản có liên quan.
          Thông qua Tháng hành động vì trẻ em 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em"được triển khai cùng với mong muốn sẽ thực hiện tốt hơn các quy định của Luật trẻ em, đưa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định số 80 “về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường” và Chỉ thị số 18 “về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”  Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh. Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng kêu gọi quyết tâm của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, các địa phương, gia đình và toàn xã hội trong chung tay chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước, mọi trẻ em Việt Nam sẽ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để học tập và trưởng thành.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại buổi Lễ phát động
          Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, trẻ em phải được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Diễn đàn trẻ em thế giới năm 2002 đã gửi đến thông điệp đầy ý nghĩa: “Chúng em muốn một thế giới phù hợp với trẻ em, vì một thế giới phù hợp với trẻ em cũng đồng thời phù hợp với tất cả mọi người”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về trẻ em lần thứ hai của Đại hội đồng Liên hợp quốc về trẻ em, các lãnh đạo của 184 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi trẻ em trên toàn thế giới thông qua việc thực hiện Kế hoạch hành động xây dựng một thế giới phù hợp với trẻ em. Thực hiện cam kết đó, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và huy động mọi nguồn lực để công tác trẻ em ngày càng được chăm lo, bảo vệ tốt hơn. Trong đó, Tháng hành động vì trẻ em thường xuyên được tổ chức từ hơn 20 năm qua cũng là một minh chứng về sự chung tay của toàn xã hội góp phần thực hiện các quyền trẻ em tốt hơn, thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh những nỗ lực và thành công đó, môi trường sống của trẻ em cũng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Mỗi năm như chúng ta vừa xem trong phim, vẫn còn hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện; trẻ em bị tử vong do đuối nước và nhiều tai nạn do sự vô tình của người lớn gây ra. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng hiện nay và thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó công nghệ thông tin, Internet đã làm thay đổi cuộc sống của nhân loại. Ở nước ta, hơn 1/3 số người sử dụng Internet là người chưa thành niên và thanh niên. Tuy nhiên, môi trường mạng cũng đã và đang tạo ra những rủi ro, nguy hại cho trẻ em nếu chúng ta không có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
          Nhân Tháng hành động vì trẻ em 2018, Phó Chủ tịch nước cũng biểu dương các cấp các ngành, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước đã có nhiều chương trình việc làm tốt dành cho trẻ em Việt Nam. Đồng thời cũng đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí thời gian qua đã phát hiện, kịp thời đưa tin, phản ánh những tấm gương tốt vì trẻ em, đồng thời tổ chức nhiều chương trình kết nối tấm lòng nhân ái vì trẻ em gây xúc động lòng người nhân lên những việc làm thiện nguyện, kết nối tình thương yêu sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng dành cho trẻ em, góp phần vun đắp, phát huy truyền thống nhân văn tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta. Và các hoạt động này cần tiếp tục nhân rộng nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã lên tiếng, lên án các vụ việc bạo lực, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em.
          Phát biểu tại Lễ phát động, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel – Jelil đánh giá cao nỗ lực của chính phủ trong việc liên tục cải thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền trẻ em, đáng chú ý là việc thực hiện Luật Trẻ em, thành lập Ủy ban Quốc gia về Trẻ em và Tổng đài Điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên như chúng ta biết, trên thế giới có hàng triệu trẻ em phải đối mặt với bạo lực, xâm hại, bóc lột, cả trong môi trường trực tuyến. Hàng triệu trẻ em khác có nguy cơ đối mặt với các hình thức bạo lực trên. Đáng tiếc là Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Có tới 68% trẻ em trong độ tuổi từ 2-14 tuổi bị xử phạt trong gia đình. Điều đáng buồn là hàng năm có hàng trăm vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo cáo tới các cơ quan chức năng. Bạo lực trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, kể cả ở những nơi lẽ ra phải là nơi an toàn cho trẻ như trường học hay gia đình, và bạo lực thường do những người thân quen với trẻ gây ra. Điều đáng lo ngại hơn là chỉ một phần nhỏ các vụ việc xâm hại, bóc lột, bạo lực trẻ em được các cơ quan chức năng báo cáo và điều tra. Bạo lực trẻ em không chỉ là vấn đề riêng của các gia đình mà còn có tác động lớn hơn, có thể cản trở phát triển kinh tế và kìm hãm sự phát triển  của một quốc gia. Đồng thời ông cũng chia sẻ thêm một số các khuyến nghị sau để thúc đẩy một “cuộc sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em”. Thứ nhất, cần tăng cường nguồn nhân lực cho công tác bảo vệ trẻ em và cần bố trí các vị trí nhân viên công tác xã hội. Thứ hai, để đạt được các kết quả tích cực cần phân bổ các nguồn lực tài chính cần thiết cho công tác bảo vệ trẻ em và lồng ghép các mục tiêu bảo vệ trẻ em và ngân sách vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở TW và địa phương. Điều quan trọng là cần phải có một cơ chế hiệu quả để báo cáo các vụ việc bạo lực trẻ em. Cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp để đảm bảo rằng tất cả các vụ việc xâm hại trẻ em được xử lý kịp thời, tuân thủ pháp luật và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
 
Các đại biểu tặng quà và học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam 
cho 60 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Phú Thọ

 
          Nhân dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tặng quà và học bổng cho 60 nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Phú Thọ. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh và các đại biểu đến thăm, tặng quà các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS Việt Trì.

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,794
  • Hôm nay326,689
  • Tháng hiện tại18,149,025
  • Tổng lượt truy cập478,041,712
sldtbxh_cchc
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây