Hoc tap bac

Tăng cường hệ thống Bảo trợ xã hội hướng đến quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam

Thứ tư - 16/05/2018 08:59
Sáng ngày 26/4/2018, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo “Tăng cường hệ thống Bảo trợ xã hội hướng đến quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TBXH, ông Minoru Ogasawara, Cố vấn trưởng, Tổ chức ILO cùng các đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành liên quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu cùng đại diện một số địa phương.
Toàn cảnh hội thảo “Tăng cường hệ thống Bảo trợ xã hội hướng đến quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam”
Toàn cảnh hội thảo “Tăng cường hệ thống Bảo trợ xã hội hướng đến quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam”
      Do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai hỏa hoạn, biến đổi khí hậu đã dẫn đến hàng năm có hàng trăm ngàn hộ gia đình chịu ảnh hưởng mất nhà cửa, có người chết, người bị thương, mất phương tiện sản xuất… dẫn đến đời sống gia đình gặp khó khăn. Theo thống kê hàng năm thiên tai hỏa hoạn, mất mùa đã dẫn đến trên 1 triệu hộ gia đình thiếu đói cần được hỗ trợ vào các dịp giáp hạt (tháng 3-4) và dịp Tết Nguyên đán.
      Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết hệ thống trợ giúp xã hội hiện nay bao gồm: trợ giúp đột xuất, trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng và nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung trong các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc xã hội. Hiện nay, Việt Nam đã có chính sách cụ thể gồm cả hỗ trợ hiện vật, trợ cấp tiền mặt hàng tháng và cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng tại hộ gia đình và trong các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc trẻ em, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi và các cơ sở xã hội khác (gọi chung là cơ sở chăm sóc xã hội). Nhiều chính sách được quy định cụ thể trong các Luật (Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật, Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật phòng tránh thiên tai, Luật giáo dục…), 14 Nghị định của Chính phủ, 37 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
 
Ông Nguyễn Văn Hồi phát biểu khai mạc Hội thảo

      Thách thức đặt ra đối với hệ thống trợ giúp xã hội đó là làm sao để mỗi người dân, mỗi cộng đồng khi thiên tai xảy ra cần được hỗ trợ một cách toàn diện, công tác trợ giúp cho người dân cả về bảo hiểm thiên tai, cứu trợ cho các gia đình gặp thiệt hại. Cần phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, sửa chữa hạ tầng, điều phối, phối hợp hỗ trợ người dân một cách toàn diện bao gồm cả hỗ trợ điều trị những sang chấn và cung cấp nhà ở tạm thời trong trường hợp khẩn cấp…Để thực hiện được điều đó, cần huy động sự tham gia của tất cả người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cũng như sự điều phối sát sao, nhịp nhàng để phát huy tối đa sự đóng góp cả tiền của và công sức của cả cộng đồng trong và ngoài nước.
 
Chủ tọa Hội thảo

      Nhân dịp này, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội đã cảm ơn và đánh giá cao sự phối hợp của UNICEF, ILO, FAO, và các tổ chức quốc tế khác đã cùng phối hợp và hỗ trợ Bộ LĐ-TBXH trong thời gian qua. Trong Hội thảo này, ông hy vọng các đại biểu, các chuyên gia sẽ đề xuất được những ý kiến để Bộ LĐ-TBXH và các bộ ngành liên quan xây dựng, bổ sung được những chính sách, giải pháp giúp giảm hại thiên tai. Những ý kiến sẽ được tổng hợp để các chuyên gia tiếp tục hoàn thiện nhằm phục vụ cho công tác xây dựng chính sách.
 
Ông Minoru Ogasawara phát biểu tại Hội thảo

      Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Minoru Ogasawara, Cố vấn trưởng của tổ chức ILO cho rằng những hỗ trợ về an sinh xã hội đóng vai trò rất quan trọng giúp nâng cao khả năng chống chịu của người dân đối với thiên tai và thúc đẩy đầu tư, sáng tạo để giảm thiểu những bất bình đẳng. Do đó, đây cũng là khoản đầu tư cho tương lai và tăng cường năng lực cho người dân. Nghiên cứu về tăng cường phát triển hệ thống bảo trợ xã hội hướng đến thông tin về rủi ro và phản ứng các cú sốc có mục tiêu tăng cường các chính sách tăng cường hệ thống an sinh xã hội để phản ứng với thiên tai.
      Bảo trợ xã hội hướng đến thông tin về rủi ro và đáp ứng các cú sốc là khái niệm kết nối hoặc liên kết các chương trình bảo trợ xã hội và hệ thống quản lý rủi ro thảm họa để hỗ trợ cho các hộ gia đình trước, trong và sau mỗi cú sốc. Điều này đóng góp và đòi hỏi những liên kết chặt chẽ trong tất cả các giai đoạn của chu kỳ quản lý rủi ro thảm họa.
 
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trình bày Báo cáo tại Hội thảo
     
Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đồng bộ và hài hòa với an sinh xã hội, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh Việt Nam, tạo nên tầng lưới bảo đảm an toàn cho tất cả những người dân gặp rủi ro thiên tai, kinh tế, xã hội và các rủi ro khác, giúp người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro và có cơ hội tham gia vào quá trình phát triển. Từng bước mở rộng diện bao phủ và nâng cao mức trợ cấp xã hội, tổ chức cứu trợ khẩn cấp kịp thời cho người dân gặp rủi ro; phát triển đồng bộ hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội và mạng lưới tổ chức, nhân viên cung cấp dịch vụ, góp phần bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững. Chuyển dần từ quan điểm hỗ trợ nhân đạo sang coi trợ giúp xã hội là quyền được hưởng của mọi người dân khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời coi việc chi cho chính sách trợ giúp xã hội, các hoạt động trợ giúp xã hội là khoản chi đầu tư phát triển bền vững. Trong đó thống nhất và đồng bộ với hệ thống chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội.
      Phát triển hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển các mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão. Thực hiện tốt công tác trợ giúp khẩn cấp, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời; hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp khẩn cấp; mở rộng sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng.
      Một số kiến nghị được nêu tại Hội thảo nhằm định hướng hoàn thiện chính sách về công tác quản lý như: Thống nhất một cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội; bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành liên quan; Cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết chính sách trợ giúp xã hội dựa vào nhu cầu của người dân đảm bảo công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giải quyết, chi trả trợ giúp xã hội, bảo đảm tích hợp các chính sách trợ giúp xã hội với các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội.




 

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây