Hoc tap bac

Bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, nguy hiểm

Thứ tư - 27/06/2018 20:24
Chiều 25/6, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức Diễn đàn “Vận động chính sách và giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em - Vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh”.Dự diễn đàn, có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà; Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee; Quyền Phó Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Greenfield; Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) Đặng Hoa Nam; đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và một số địa phương.
Bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, nguy hiểm
          Năm nay, Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em lấy khẩu hiệu “Vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh” sẽ tập trung vào nhu cầu toàn cầu về cải thiện sức khỏe và an toàn của thế hệ lao động trẻ và chấm dứt lao động trẻ em. Chiến dịch này hướng đến thúc đẩy các hành động để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7 về chấm dứt các hình thức lao động trẻ em đến năm 2025. Sự kiện này sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa trẻ em dưới độ tuổi lao động tối thiểu ra khỏi mọi hình thức lao động trẻ em, bao gồm các hình thức lao động nguy hiểm và tồi tệ nhất và đảm bảo rằng trẻ em có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng và được đi học ít nhất đến khi trẻ hoàn thành giáo dục bắt buộc và đạt độ tuổi lao động tối thiểu.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại diễn đàn
          Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, chủ đề ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2018 “Vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh” có ý nghĩa thiết thực khi toàn cầu đang cam kết triển khai việc phòng ngừa lao động trẻ em. Việt Nam đã có các quy định của luật pháp và triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết, trong đó có mục tiêu 8.7 về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm nhất. ”Quan trọng hơn là giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chúng ta cần có sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
 
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm
          Đồng thời, Thứ trưởng cũng mong muốn diễn đàn  chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế để đưa ra các giải pháp phù hợp, sự phối hợp chặt chẽ của các bên cho việc phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam để xây dựng một thế hệ người lao động tương lai làm việc có năng suất, có thu nhập tốt và có khả năng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.
          Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam khẳng định, việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm lý hài hòa của các em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, ảnh hưởng tới tương lai của chính các em, đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Lao động trẻ em trở thành vấn đề toàn cầu, đặt ra cho tất cả các quốc gia trên thế giới một thách thức, một trách nhiệm cần phải thúc đẩy hơn nữa trong việc thực hiện có hiệu quả việc xóa bỏ lao động trẻ em.
          Tại diễn đàn, bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em của UNICEF cho rằng, cần triển khai đồng bộ các hướng tiếp cận để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, bao gồm cả nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường các dịch vụ bảo trợ xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách. “Cần tập trung xây dựng hệ thống các dịch vụ an sinh xã hội cho trẻ em lao động sớm và gia đình các em, phát triển các dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc xã hội tại địa phương để trẻ em và gia đình có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ hỗ trợ cần thiết”, bà Loan nhấn mạnh.
          Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, với sự hỗ trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ, Bộ LĐ-TBXH đang triển khai dự án hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Chương trình nhằm triển khai các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn và thực hiện các mục tiêu trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Dự án được triển khai tại ba địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang từ năm 2015, tập trung vào giảm thiểu lao động trẻ em trong một số ngành, nghề trọng điểm như may mặc, nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ.
           Trong khuôn khổ buổi diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế để đưa ra các giải pháp phù hợp cho việc phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh xây dựng các văn bản, khung pháp lý về phòng chống lao động trẻ em thì việc giám sát thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này đóng vai trò vô cùng quan trọng.
 
 

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,360
  • Hôm nay141,855
  • Tháng hiện tại10,756,150
  • Tổng lượt truy cập470,648,837
sldtbxh_cchc
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây