Chế độ nghỉ hằng năm của người lao động
Theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2012, người lao động làm việc từ đủ 12 tháng trở lên cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm với số ngày nghỉ phụ thuộc vào điều kiện công việc. Cụ thể:
- 12 ngày làm việc với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt, hoặc là lao động chưa thành niên, người khuyết tật;
- 16 ngày làm việc với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.
Người lao động làm việc từ đủ 12 tháng trở lên được nghỉ hàng năm từ 12 ngày/năm (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, nếu người lao động làm việc lâu dài cho một người sử dụng lao động thì cứ 05 năm làm việc được tăng thêm 01 ngày nghỉ.
Trường hợp làm việc không đủ năm thì theo Điều 7 Nghị định 45/2013/NĐ-CP, số ngày nghỉ hàng năm dựa theo số tháng làm việc thực tế trong năm.
Bên cạnh đó, để không ảnh hưởng tới chế độ nghỉ của người lao động và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm tại đơn vị mình sau khi tham khảo ý kiến của người lao động.
Đồng thời, người lao động cũng có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Đặc biệt, khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
Lương ngày nghỉ có gì đặc biệt?
Thứ nhất, được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động được quy định cụ thể tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP:
Tiền lương làm căn cứ Tiền lương theo Số ngày làm việc bình
trả cho người lao động = hợp đồng lao động : thường trong tháng x Số ngày nghỉ hằng năm.
Thứ hai, được thanh toán tiền lương trong những ngày chưa nghỉ.
Theo Điều 114 Bộ luật Lao động 2012, người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ. Cụ thể theo khoản 4 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:
Tiền lương tính trả cho người lao động = Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động : Số ngày làm việc bình thường của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả x Số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết
Trong đó, tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động phụ thuộc vào thời gian làm việc thực tế của người lao động:
- Làm việc từ đủ 06 tháng trở lên:
Là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi thôi việc, mất việc làm hoặc trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ vì lý do khác.
- Làm việc dưới 06 tháng:
Là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.
Thứ ba, được tạm ứng tiền lương, tiền tàu xe đi đường
Để có chi phí đi lại cũng như sinh hoạt trong những ngày nghỉ hằng năm, pháp luật lao động cho phép người lao động được tạm ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Riêng tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường do hai bên thỏa thuận.
Đối với người lao động miền xuôi làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và người lao động ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm việc ở miền xuôi thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường.
Như vậy, có thể thấy nghỉ hằng năm là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cũng như bảo đảm chế độ này cho người lao động.