Hoc tap bac

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phản ánh kiến nghị của bà Nguyễn Thị Thơm về thủ tục xác định lại mức độ khuyết tật

Thứ năm - 05/09/2024 11:16
Ngày 04/9/2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được phản ánh kiến nghị của Nguyễn Thị Thơm, thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước qua Hệ thống phản ánh kiến nghị của Văn phòng Chính phủ; Mã số PAKN 20240901.0053 về thủ tục xác định lại mức độ khuyết tật thuộc chế độ hưởng trợ cấp xã hội (trợ cấp dành cho người khuyết tật), với nội dung phản ánh kiến nghị: Cha tôi là Nguyễn Văn H. Sinh năm 1949. Hiện đang thường trú tại thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Từ khoảng tháng 12/2016 cha tôi có làm hồ sơ hưởng trợ cấp khuyết tật. Khoảng 01 năm sau hồ sơ của cha tôi được duyệt và bắt đầu được nhận tiền trợ cấp khuyết tật. Tuy nhiên, đến tháng 08/2024 UBND xã có mời cha tôi lên xác định lại mức độ khuyết tật. Tại buổi làm việc, các cán bộ có liên quan trong Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tại xã đưa ra lý do rằng: xác định mức độ khuyết tật của cha tôi là mức độ nhẹ, không thuộc trường hợp nhận trợ cấp. Tuy nhiên, các cán bộ lấy căn cứ theo quy định tại Thông tư 01/2019/BLĐTBXH ngày 02/01/2019 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội để xác định lại mức độ khuyết tật. Được biết thời điểm cha tôi được nhận trợ cấp cũng là thời điểm Thông tư này đã có hiệu lực và thời gian ba tôi nhận trợ cấp thất nghiệp đến nay đã khá lâu. Chất vấn cán bộ xã tại sao cha tôi không đủ điều kiện như đã nói lại có thể nhận hưởng trợ cấp xã hội trong 1 khoảng thời gian khá dài. Cán bộ xã trả lời rằng thời điểm đó ba tôi đang bệnh nặng nên xét hưởng cho ba tôi. Tuy nhiên, nếu xét theo ý kiến của cán bộ xã tôi lại lấy làm thắc mắc, phải chăng có sai sót gì trong quá trình xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ của ba tôi. Chẳng khác nào họ đang nhận lỗi sai từ nhiều năm về trước là của mình. Một số thôn khác như thôn Bình Tiến 2 cũng nhiều trường hợp xét giống cha tôi, tại sao họ lại không bị mời giám định lại và cắt giảm khoản này. Các chứng từ nhận tiền: sổ nhận tiền, hồ sơ (giấy khám sức khỏe) hiện tại ba tôi vẫn còn giữ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật người khuyết tật năm 2010 thì quyền xác định lại mức độ khuyết tật thuộc về người khuyết tật đó hoặc thân nhân của họ khi có đề nghị. Trường hợp trên, UBND xã tự mình tổ chức thực hiện việc xác định lại mức độ khuyết tật khi (không có đề của người khuyết tật hoặc thân nhân của họ) có được xem là hợp pháp hay không?
Cha tôi hiện nay 75 tuổi, tuổi cao, sức yếu, cha tôi bị khuyết tật chân và xương khớp nên di chuyển khó khăn, cao huyết áp, đau bao tử, mắt kém, phải ở nhờ nhà con gái, con cái đều đi làm ăn xa nhà. Khoản trợ cấp này theo quy định tại Nghị định 76/2024/NĐ-CP ngày 01/07/2024 chỉ có 1.000.000 đồng, không thể nào đủ sinh hoạt hàng ngày cho ba tôi. Nhận thấy kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tại xã là không khách quan, cha và gia đình tôi đều không đồng ý với kết luận này. Kính mong Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước hỗ trợ giải quyết thắc mắc này cho tôi”.

Sau khi kiểm tra nội dung phản ánh kiến nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bà Nguyễn Thị Thơm, như sau:
1. Về trình tự thực hiện thủ tục Xác định lại mức độ khuyết tật
Tại Quyết định số 208/QĐ-LĐTBXH ngày 29/2/2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ lĩnh vực bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 06/3/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh công bố Danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ lĩnh vực Bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước và Quyết định 1922/QĐ-UBND ngày 24/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về Quy trình giải quyết thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, các đơn vị trực thuộc Sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước, quy định trình tự thực hiện thủ tục Xác định lại mức độ khuyết tật như sau:
Bước 1: Khi có nhu cầu xác định, xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/1/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện (sau đây gọi tắt là Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH), riêng mẫu số 01 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư, Thông tư liên tịch có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận nơi cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) (sau đây gọi tắt là Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH) gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật.
- Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
+ Gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học theo Mẫu số 04 quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH.
+ Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
+ Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định tại Điều 3 và theo các mẫu số 02 hoặc mẫu số 03 của Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH).
Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên đây thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật.
- Bước 3: Lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật của người được đánh giá theo Mẫu số 05 ban hành kèm Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH).
(1) Riêng đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày 01/6/2012, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau: Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%; Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.
(2) Đối với những trường hợp theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Luật người khuyết tật (gồm: Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác), thì Hội đồng cấp giấy giới thiệu và lập danh sách chuyển Hội đồng giám định y khoa thực hiện (qua Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội).
- Bước 4: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản kết luận của Hội đồng về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã niêm yết, thông báo công khai kết luận của Hội đồng tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp Giấy xác nhận khuyết tật theo mẫu số 06 ban hành kèm Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH). Trường hợp có khiếu nại, tố cáo hoặc không đồng ý với kết luận của Hội đồng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Hội đồng tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo.
Đối với trường hợp do Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật theo mẫu số 06 ban hành kèm Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BLĐTBXH)”.
Như vậy, việc xác định lại mức độ khuyết tật thuộc thẩm quyền của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (do Chủ tịch UBND xã thành lập) thực hiện theo trình tự nêu trên. Nội dung Bà phản ánh, đề nghị gửi đơn đến Chủ tịch UBND xã Phước Minh để được giải quyết trước tiên theo thẩm quyền.
2. Về Kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật quy định “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Nếu người khuyết tật được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (HĐXĐMĐKT) kết luận có mức độ khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng.
Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/1/2019 quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện quy định: “1. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) quyết định thành lập”.
HĐXĐMĐKT xã Phước Minh tổ chức rà soát xác định lại mức độ khuyết tật ngày 29/8/2024, kết luận ông Nguyễn Văn Hai khuyết tật vận động, mức độ nhẹ không thuộc diện hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng.
Ông Nguyễn Văn Hai không đồng ý với kết luận của HĐXĐMĐKT xã Phước Minh, Ông gửi đơn đề nghị xã Phước Minh giới thiệu đi Hội đồng Giám định y khoa tỉnh.
Đề nghị ông Nguyễn Văn Hai liên hệ với UBND xã Phước Minh để được hướng dẫn, giải quyết./.

Tác giả: LĐ-TBXH Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,492
  • Hôm nay180,180
  • Tháng hiện tại6,893,044
  • Tổng lượt truy cập490,756,482
sldtbxh_cchc
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây