Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ hai - 17/05/2021 11:21
Theo thống kê, trung bình hàng năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, tình trạng đuối nước trẻ em của nước ta vẫn còn ở ngưỡng cao, rất đáng lo ngại, là nguyên nhân hàng đầu đã để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội.
Đuối nước là loại tai nạn nguy hiểm và gây tử vong nhiều nhất ở trẻ. Tỷ suất đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Các trường hợp đuối nước thường xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi và tập trung nhiều ở lứa tuổi từ 5 – 9 tuổi. Trẻ em vốn dĩ rất thích nghịch nước, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng, được tắm và ngâm mình trong dòng nước mát lạnh sẽ giúp các em có được những giây phút thật thoải mái. Nhưng các em đâu biết trong môi trường nước tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm thường xuyên rình rập. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em hay bị đuối nước là do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn, kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân còn hạn chế. Đặc biệt, trẻ thiếu kỹ năng bơi lại hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, hoặc biết bơi nhưng trẻ chủ quan. Ngoài ra môi trường sống của trẻ thật sự chưa an toàn, nhiều gia đình sống gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có hàng rào bảo vệ, che chắn, các giếng, bể nước không có nắp đậy… cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị đuối nước.
Tổ chức triển khai dạy bơi miễn phí để phòng chống đuối nước ở trẻ em Theo thống kê của tỉnh, số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước trong tỉnh còn cao: năm 2016 có 24 trẻ, năm 2017 có 14 trẻ, năm 2018 có 16 trẻ, năm 2019 có 05 trẻ , năm 2020 có 06 trẻ. Tình hình đuối nước vẫn diễn biến phức tạp, tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 11 trường hợp tử vong do đuối nước. Đáng chú ý, đa số các trường hợp tử vong do trẻ tự tìm đến vùng sông, suối, các hố sâu chơi đùa, nghịch nước mà không có sự giám sát của người lớn. Bình Phước là tỉnh có địa hình đa dạng, có nhiều ao hồ, sông suối, nên tỷ lệ trẻ em bị đuối nước trong những năm gần đây có chiều hướng tăng. Đơn cử như ngày 05/04/2021 có 02 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước thương tâm tại đập nước Tà Tê 2, xã Lộc Thành gồm: Em TTTM, sinh năm 2009, ấp Cần Dực và Em NTHT, sinh năm 2009, ấp KLiêu. Theo người nhà, các cháu đi học thêm xong rủ nhau đi tắm và bắt cá nhưng gặp chỗ nước sâu, các cháu lại không biết bơi nên đã xảy ra tai nạn đuối nước. Ngày 07/5 vừa qua, trên địa bàn xóm Hòa Thành, ấp 7, xã Tân Thành, Thành phố Đồng Xoài xảy ra 1 vụ đuối nước do bị trượt chân xuống hồ Phước Hòa gần nhà làm cháu HMT (sinh năm 2019) tử vong…
Những vụ đuối nước trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lơ là, chủ quan của người lớn, nhất là gia đình trong việc chăm sóc, quản lý con em mình. Mùa hè là thời điểm các em nghỉ học, được tự do vui chơi, đùa nghịch và cũng là thời điểm số vụ đuối nước và tử vong do đuối nước tăng cao. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh còn ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn thương tích đối với trẻ, đặc biệt với trẻ ở nông thôn thường rủ nhau đi mò cua, bắt ốc, tắm sông, suối, ao, hồ... Điều đáng nói ở hầu hết trẻ tử vong do đuối nước là các em không hề biết bơi và khi đi bơi cũng không có người lớn kèm, hay bất kỳ phương tiện cứu hộ nào. Trong khi các em chưa lường hết được sự nguy hiểm, nên vẫn rủ nhau đùa nghịch ở ngay cả những địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng trẻ chết đuối. Tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước thực sự là một vấn đề bức xúc của xã hội. Qua các trường hợp trẻ em bị đuối nước, có thể xác định các nguyên nhân cơ bản như: Môi trường sống không đảm bảo an toàn; nhận thức và hiểu biết chung về tai nạn đuối nước trẻ em còn thấp; thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ của người lớn; trẻ không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước. Vần đề này đang được các cơ quan, ban ngành cũng như các tổ chức xã hội tỉnh quan tâm. Theo đó, qua thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Từ năm 2016 - 2020, số trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước ngày càng tăng, cụ thể: năm 2016 là 76.912 em, năm 2017 là 78.778 em, năm 2019 là 83.819 em, năm 2020 là 89.065 em. Sở Lao động - Thương binh & Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa- thể thao và Du lịch tổ chức 51 lớp dạy bơi miễn phí cho 2.091 trẻ em trong tỉnh. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn truyền thông kỹ năng phòng chống đuối nước và tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho cha mẹ, những người chăm sóc trẻ và trẻ em tại một số địa phương trong tỉnh. Thời gian qua ở các địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động hè dành cho trẻ và khuyến khích các em tham gia những hoạt động vui chơi an toàn, lành mạnh…Tuy nhiên, để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đạt hiệu quả thì ngoài gia đình, rất cần sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng xã hội nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ em; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội, nhất là các bậc cha mẹ trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ.
Người dân cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra trường đuối nước. Các bậc cha mẹ cần chủ động hơn trong việc quản lý và đảm bảo môi trường vui chơi an toàn cho con em mình. Đặc biệt, cha mẹ nên tập bơi cho trẻ, hướng dẫn trẻ các nguyên tắc an toàn khi bơi và xử lý tình huống đuối nước. Có như vậy mới tránh được những cái chết thương tâm đối với các em xảy ra như thời gian qua. Việc phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng là rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội./.