Đường dây nóng
*Hỗ trợ, tư vấn TTHC, dịch vụ công: 0271.1022
*Ứng cứu sự cố an ninh thông tin mạng trên địa bàn tỉnh: 0844.68.93.93
*Hỗ trợ, giải đáp chính sách thuế: 02713.879.193, 02713.888.891
*Phản ánh, kiến nghị vốn vay, hoạt động bảo hiểm ngân hàng: 02713.870.047

NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG TRONG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI KHMER BÌNH PHƯỚC VÀ NGƯỜI S’TIÊNG NHÁNH BÙ DEH

Thứ ba - 17/12/2024 11:17
Người Khmer ở Bình Phước hiện có khoảng gần 20.000 người, gồm hai nhóm: nhóm cư trú lâu đời và nhóm cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long lên cư trú ở Bình Phước vào khoảng hơn nửa thế kỷ trước. Trong khu vực cư trú, người Khmer sinh sống lâu đời ở Bình Phước có sự giao thoa, tiếp xúc với các cộng đồng cư dân khác cùng sinh sống trong vùng, trong đó có người S’tiêng nhánh Bù Deh. Trong quá trình cư trú, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa người Khmer sinh sống lâu đời ở Bình Phước và người S’tiêng nhánh Bù Deh đã tạo nên những tương đồng trong văn hóa giữa hai cộng đồng này.
NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG TRONG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI KHMER BÌNH PHƯỚC VÀ NGƯỜI S’TIÊNG NHÁNH BÙ DEH
Tương đồng trong văn hóa vật thể
Người Khmer ở Bình Phước có kiểu nhà ở truyền thống là nhà sàn. Loại nhà trước đây được làm từ vật liệu có trong tự nhiên: mây, tre, nứa, gỗ, lá…. Quá trình khai thác nguyên liệu, người Khmer có nhiều điều kiêng kỵ, từ việc chặt cây lấy gỗ làm cột, khai thác cỏ tranh để lợp mái, đến việc vận chuyển vật liệu, lợp nhà…Những điều kiêng kỵ, theo quan niệm của người Khmer là để không cho quỷ thần vào làm hại các thành viên gia đình khi họ ở trong ngôi nhà mới. Trong quá trình khai thác vật liệu làm nhà ở, người S’tiêng cũng đặt ra và tuân thủ những điều kiêng kỵ tương tự như trong quá trình làm nhà ở của người Khmer. Sự tương đồng này có thể do yếu tố địa hình và điều kiện sản xuất canh tác của hai cộng đồng có sự tương đồng nhau. Họ cùng có hình thức canh tác lúa nước và canh tác nương rẫy, cùng coi trọng hoạt động khai thác nguồn lợi từ tự nhiên.
Tương đồng trong loại hình di sản văn hóa phi vật thể
Đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể, người Khmer ở Bình Phước có nhiều loại hình mang đặc trưng riêng.
Người Khmer ở Bình Phước có quá trình phát triển khác biệt trong tôn giáo tín ngưỡng. Họ vẫn duy trì thờ cúng các loại hình tín ngưỡng đa thần, tô tem giáo nguyên thủy như: các thần trong tự nhiên, thần linh gắn với hoạt động sản xuất. Trong tục thờ Neakta, người Khmer ở Bình Phước cũng thờ ở vị trí đầu đường vào khu cư trú – sóc như người Khmer ở các nơi khác, nhưng khác biệt ở đây là vật thờ. Nếu người Khmer ở Campuchia, ở đồng bằng sông Cửu Long thờ hai hòn đá tượng trưng cho ông bà, thì người Khmer nhóm sinh sống lâu đời ở Bình Phước sử dụng tượng gỗ để thờ, một tượng ông và một tượng bà rất rõ ràng.
Khi thực hành nghi lễ cúng, người Khmer ở Bình Phước có trình diễn các bài nhạc lễ với các nhạc cụ truyền thống của họ. Khảo sát các khu vực cư trú ở Lộc Ninh, hình thức thờ cúng Neakta này rất phổ biến. Đối với người Khmer Bình Phước, lễ cúng Neakta là một ngày hội, quy mô cúng khá lớn, kéo dài từ sáng đến chiều và thu hút nhiều người dân tham dự. Cho đến nay, sự khác nhau trong cách tổ chức thờ tín ngưỡng Neakta của người Khmer ở Bình Phước vẫn chưa có nghiên cứu nào lý giải.

Văn hoá cồng, chiêng của người S’tiêng trên địa bàn Bình Phước
Trong hoạt động canh tác nông nghiệp, người Khmer ở Bình Phước có hai lễ hội rất đặc biệt lễ hội khác với người Khmer Tây Nam Bộ, đó là lễ Xuống đồng và lễ Dua Tpeng – Phá Bàu. Lễ hội xuống đồng gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp lúa nước được người Khmer ở Bình Phước tổ chức trước khi tiến hành gieo cấy lúa nước với mục đích là cầu xin thần linh phù hộ cho người dân trong Sóc có được một vụ mùa tốt tươi, bội thu. Trước đây, lễ hội này tổ chức ở nhiều nơi, tuy nhiên hiện nay chỉ còn duy trì ở vùng Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh – một vùng từng được coi là vựa lúa của Bình Phước.
          Đối với lễ hội Dua Tpeng - còn gọi là lễ hội Phá Bàu, gắn liền với hoạt động khai thác tự nhiên của người Khmer Bình Phước, duy trì ở vùng Lộc Khánh - Lộc Ninh. Theo đặc điểm cư trú, các Sóc của người Khmer Bình Phước thường có một bàu nước tự nhiên. Bàu nước này được xem là tài sản chung của Sóc. Già làng đại diện quản lý, khi chưa có sự đồng ý của già làng, không ai được quyền đánh bắt cá trong bàu. Các loài thủy sản nước ngọt sinh sống và sinh trưởng trong đó. Bàu nước có đặc trưng là không có nguồn cung cấp nước thường xuyên mà chỉ phụ thuộc vào lượng nước tự nhiên từ 6 tháng mưa. Giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, Bình Phước bước vào mùa nắng, nước trong bàu sẽ cạn dần. Đến khoảng tháng 4, khi lượng nước đã cạn gần hết, người dân có thể dùng các loại vật dụng giản đơn như nơm, sneng (một loại đồ xúc cá) để đánh bắt. Sau khi bàn bạc giữa các thành viên trong Sóc và được sự đồng ý của già làng, người dân tiến hành lễ hội, đánh bắt khai thác thủy sản trong bàu nước. Lễ hội tổ chức từ một đến hai ngày tùy vào độ lớn của Bàu và nhu cầu vui chơi của cộng đồng. Nội dung của lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ với các nghi thức cúng thần linh, ông bà, có sử dụng nhạc lễ với các loại nhạc cụ truyền thống (đàn nhị, đàn cò, trống), phần hội với các trò chơi dân gian độc đáo. Năm 2019, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đối với người S’tiêng nhánh Bù Deh có tổ chức lễ hội này nhưng khác tên gọi, cách tổ chức cũng có những điểm khác biệt. Người S’tiêng sử dụng cồng chiêng để tiến hành nghi lễ cúng, số trò chơi dân gian hầu như không có. Việc người Khmer ở Bình Phước có lễ hội này có thể giải thích từ nhiều yếu tố: Có thể địa điểm cư trú của người Khmer có bàu nước với đặc điểm có thể tổ chức được lễ hội này, cũng có thể người Khmer trong quá trình cư trú có sự giao thoa tiếp xúc với văn hóa của người S’tiêng, từ đó, họ tiếp thu lễ hội này và duy trì trong cộng đồng.
 Cả hai luận điểm này được thể hiện trong thực tế, nhưng luận điểm về người Khmer tiếp thu văn hóa lễ hội của người S’tiêng Bù Deh có thể hợp lý hơn. Bởi vì, số lượng địa điểm đã từng tổ chức lễ hội Phá Bàu của người Khmer ít hơn so với địa điểm tổ chức của người S’tiêng; trong cộng đồng, nhiều nơi người Khmer cũng xác định ở họ không có lễ hội này. Có thể, những nơi người Khmer cư trú gần với khu vực có người S’tiêng có tổ chức lễ hội Phá Bàu, từ đó tiếp thu và tổ chức lễ hội.
Tuy nhiên, chính lễ hội Dua Tpeng là một trong những khác biệt trong văn hóa của người Khmer Bình Phước với người Khmer Tây Nam Bộ. Trong quá trình tổ chức lễ hội, những nghi thức và nghi lễ của người Khmer cũng có những khác biệt so với cách tổ chức lễ hội của người S’tiêng Bù Deh, thể hiện văn hóa của người Khmer Bình Phước.
          Loại hình tín ngưỡng dân gian, người Khmer ở Bình Phước hiện nay vẫn duy trì tục cúng trừ tà ma (gọi là Bà Boong). Nghi lễ của hình thức này có nhiều điểm tương đồng với việc thực hành thờ cúng tô tem giáo cổ xưa. Cúng gọi hồn trước đây có hai dạng: một là cúng gọi hồn chữa bệnh và hai là cúng gọi hồn trừ tà ma. Mặc dù hiệu quả của việc cúng trị bệnh này không có trong thực tế nhưng với niềm tin vào thế lực siêu nhiên, người Khmer ở Bình Phước vẫn duy trì cho đến ngày nay. Người S’tiêng Bù Deh hiện nay vẫn còn duy trì thực hành tín ngưỡng này. Nhiều nơi như Lộc Hòa, Lộc Thạnh người S’tiêng mời thầy cúng là người Khmer thực hành nghi lễ.
          Đa dạng, phong phú trong văn hoá
Loại hình ngữ văn dân gian của người Khmer Bình Phước và người S’tiêng Bù Deh đều có câu chuyện đắp núi, kể về sự tích hai ngọn núi ở khu vực là núi Bà Đen (Tây Ninh) và núi Cậu (Bình Dương). Người Khmer còn có những câu chuyện kể về sự tích ma lai – một hiện tượng xã hội tồn tại khá lâu trong xã hội của nhiều dân tộc ở vùng trường sơn tây nguyên. Trong khi đó, sự tích ma lai cũng tồn tại trong cộng đồng người S’tiêng với nội dung và hình thức tương tự.
          Người S’tiêng nhánh Bù Deh cũng có nhiều thể loại văn học dân gian như của người Khmer Bình Phước. Có những câu chuyện kể tương đồng hoàn toàn về nội dung, motuyp, nhưng cũng có những câu chuyện chỉ giống một phần. Chẳng hạn: Truyện kể về sự tích ma lai, sự tích suối Tà Tê, sự tích núi Bà Rá...
Về ngôn ngữ, do cùng nhóm ngôn ngữ, người Khmer khác với dân tộc S’tiêng Bù Deh là họ có chữ viết nhưng trong ngôn ngữ, hai nhóm dân tộc này có nhiều từ ngữ rất giống nhau. Số đếm từ 1 đến 5 giống nhau hoàn toàn, cả hai dân tộc đều đếm: Muôi – một, Pi – hai, pey – 3, Puôn - 4, Brăm - 5. Một số từ ngữ khác như Hơil – có nghĩa là rồi, xong, “Mey” – mẹ, “ao” - áo thì người Khmer và S’tiêng đều sử dụng.
Lễ cưới của người Khmer Bình Phước đến nay vẫn còn được tiến hành theo nghi thức truyền thống. Nghi lễ cưới được tiến hành bên nhà gái. Các nghi lễ do hai người đại diện của hai bên thực hiện, trong đó cả hai dân tộc đều có hình thức hát đối đáp khá độc đáo.
Một vấn đề khác cũng rất đáng chú ý, trong hôn nhân của người Khmer và người S’tiêng Bù Đeh đều coi trọng vai trò của phụ nữ. Người Khmer khi tiến hành lễ cúng tổ tiên, người cậu (anh hoặc em của mẹ cô dâu) là người thắp hương và khấn vái thần linh, ông bà. Trong lễ hỏi của người S’tiêng Bù Deh, khi cô dâu nhận vật lễ của nhà trai, chiếc vòng bạc – một vật lễ không thể thiếu, cô dâu sẽ tặng lại cho anh em trai của mình, nếu không có anh em trai, cô dâu phải tặng cho anh em bà con bên phía mẹ cô dâu, tuyệt đối không tặng cho anh em dòng họ bên phía người cha.
          Những điểm tương đồng trong văn hóa của người Khmer với văn hóa của người S’tiêng nhánh Bù Deh làm cho nền văn hóa của hai cộng đồng vừa phong phú, vừa đa dạng, tạo nên bản sắc riêng cho các dân tộc. Mối quan hệ này được thể hiện khá phổ biến ở vùng Lộc Ninh, Bù Đốp. Chơn Thành có xã Quang Minh, nơi hai cộng đồng Khmer và S’tiêng sinh sống khá đông đảo. Việc nghiên cứu sự tương đồng trong văn hóa giữa hai cộng động này qua góc nhìn xuyên văn hóa góp phần nhận diện đặc trưng văn hóa của người Khmer ở Bình Phước trong không gian văn hóa chung của các cộng đồng Khmer Việt Nam.

Tài liệu tham khảo
1.Phan An (1999). Bình Phước một trăm năm trước. Tạp chí Xưa và nay, (số 69b). 
2.Phan An (2009). Dân tộc Khmer ở Nam Bộ. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia. 
3.Mạc Đường (1985). Vấn đề dân tộc ở Sông Bé. Sông Bé: Nxb Tổng hợp Sông Bé. 
4.Bảo tàng tỉnh Bình Phước (2004). Hồ sơ di tích cấp tỉnh Chùa Sóc Lớn
5.Bảo tàng tỉnh Bình Phước (2009). Báo cáo Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer Bình Phước
6.Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước (2015). Địa chí Bình Phước. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia. 
7.Chi cục Thống kê tỉnh Bình Phước (2019). Niên giám thống kê 2019

Tác giả: KHCN Sở, Phạm Hữu Hiến - Điểu Khuê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây