Đường dây nóng
*Hỗ trợ, tư vấn TTHC, dịch vụ công: 0271.1022
*Ứng cứu sự cố an ninh thông tin mạng trên địa bàn tỉnh: 0844.68.93.93
*Hỗ trợ, giải đáp chính sách thuế: 02713.879.193, 02713.888.891
*Phản ánh, kiến nghị vốn vay, hoạt động bảo hiểm ngân hàng: 02713.870.047

Ý nghĩa ngày Đo lường Việt Nam (20/01/1950 - 20/01/2025)

Thứ năm - 16/01/2025 08:20
Cách đây 75 năm, ngày 20/1/1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 8-SL quy định thống nhất đo lường nước ta theo Hệ mét.
Ý nghĩa ngày Đo lường Việt Nam (20/01/1950 - 20/01/2025)
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, thời gian càng làm cho chúng ta thêm thấm thía về sự nhìn nhận và đánh giá sáng suốt của Bác Hồ đối với công tác đo lường, một lĩnh vực chuyên ngành nhưng liên quan mật thiết với khoa học, công nghệ, sản xuất và đời sống của đông đảo nhân dân.
Sắc lệnh 8-SL đã xác định và gải quyết đúng đắn nhiều nội dung của quản lý nhà nước về đo lường ở nước ta như: đơn vị đo lường hợp pháp, quản lý việc sản xuất và sử dụng dụng cụ đo, xử phạt các vi phạm về đo lường. Sắc lệnh 8/SL chính là nền tảng, là điểm xuất phát của sự ra đời và trưởng thành của ngành đo lường nước ta.
Theo con đường Bác Hồ đã vạch ra, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo quản lý và phát triển lĩnh vực khoa học – kỹ thuật chuyên ngành rất quan trọng này, thể hiện ở những văn bản luật pháp về đo lường mà Nhà nước ta ban hành trong suốt mấy thập kỷ qua:
+ Ngày 26/12/1964 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký nghị định 186-CP ban hành Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tiếp nối từ Hệ mét sang Hệ đơn vị quốc tế (SI). Đây là sự kế thừa và nâng lên một tầm cao mới Sắc lệnh 8-SL.
+ Ngày 25/9/1974 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 216-CP về Điều lệ quản lý đo lường và Nghị định 217-CP về Điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Từ năm 1975 đến năm 2000, toàn bộ hoạt động đo lường ở nước ta được quản lý trên cơ sở hai Điều lệ này.
+ Khi nước ta chuyển sang thời kỳ xây dựng và phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng, ngày 06/7/1990 Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh đo lường và ngày 16/07/1990 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký lệnh công bố Pháp lệnh này. Pháp lệnh đo lường 1990 đã thể hiện sự đổi mới công tác quản lý nhà nước về đo lường khi chuyển từ nền kinh tế tập trung – bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
+ Để đáp ứng những yêu cầu mới về đo lường, ngày 06/10/1999 Uỷ ban thường vụ quốc hội thông qua Pháp lệnh đo lường (sửa đổi) và ngày 18/10/1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký công bố Pháp lệnh này. Đây chính là cơ sở để đo lường nước ta phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
+ Một dấu mốc lịch sử đối với đo lường nước ta là ngày 11/11/2011 Quốc Hội khoá 13 thông qua Luật Đo lường. Đây là văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước ta về đo lường. Luật đã thể hiện những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ đo lường phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế hiện nay. Luật Đo lường có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 01/07/2012.
Trong bức thư gửi ngành đo lường Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 8-SL (20/1/1950 - 20/1/2000) nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã thể hiện sự quan tâm và động viên, khuyến khích sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác đo lường; đồng thời ân cần nhắc nhở ngành đo lường Việt Nam: “Phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà, làm cho nước mạnh, dân giàu. Phải góp sức làm cho khoa học – kỹ thuật, cho nền sản xuất nước ta vững vàng tiến vào thế kỷ 21 và thiên niên kỷ mới”.
Ghi nhận vai trò và tầm quan trọng của công tác đo lường cũng như sự đóng góp của ngành đo lường Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 11/10/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 155/2001/QĐ - TTg lấy ngày 20/01 hàng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 8-SL về đo lường (20/1/1950) làm Ngày đo lường Việt Nam.
20241213 084413
Lớp Kiểm định viên Cột đo xăng dầu đang trong giờ thực hành
Hiện nay, hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam tương thích với các tổ chức đo lường quốc tế như: Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML), Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC),…Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 04 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, tham gia một số Ban kỹ thuật/tiểu ban kỹ thuật của các tổ chức đo lường quốc tế và được quốc tế thừa nhận khả năng đo và hiệu chuẩn đối với nhiều phép đo… Đây là cơ sở pháp lý và kỹ thuật để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, nhu cầu của doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế./.
 
 

Tác giả: KHCN Sở, Trần Quang Thành - SKHCN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây