(CTTĐTBP) - Giai đoạn 2021-2025, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) cần triển khai đồng bộ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học y - dược, khoa học tài nguyên, bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, cơ khí - tự động và công nghệ thông tin (CNTT).
Đó là yêu cầu mà UBND tỉnh đề ra tại Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 17/10/2022 về nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là nghiên cứu, tiếp nhận và ứng dụng thành công ít nhất 3 hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, ít nhất 3 hệ thống cơ giới, tự động hóa phục vụ công tác quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh, cảnh báo thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng thành công ít nhất 2 chế phẩm sinh học, ít nhất 2 sản phẩm vật liệu nano và 2 quy trình kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2025, 100% cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử. 100% các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch số 299/KH-UBND sau khi nghiệm thu đạt yêu cầu được đưa vào ứng dụng, tạo ra sản phẩm cụ thể.
Đối với lĩnh vực CNTT, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng và triển khai các ứng dụng chính quyền điện tử; ứng dụng công nghệ GIS để quản lý tài nguyên, môi trường, cảnh báo thiên tai, kiểm soát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; xây dựng và áp dụng hệ thống ISO điện tử, quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc về các sản phẩm hàng hoá, nông lâm sản trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) trong quản lý, phát triển đô thị thông minh, bệnh viện thông minh, trường học thông minh.
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học (CNSH), tập trung nghiên cứu, ứng dụng CNSH cải tiến tính trạng quý trên các loại cây trồng nông, lâm nghiệp chủ lực của tỉnh; ứng dụng mạnh mẽ các chế phẩm sinh học để phòng chống sâu, bệnh hại cây trồng, bảo quản, chế biến nông lâm sản, xử lý ô nhiễm môi trường, nghiên cứu ứng dụng CNSH trong y - dược, chăm sóc sức khoẻ, bảo quản thực phẩm…; nghiên cứu, ứng dụng CNSH tạo các chế phẩm sinh học để kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây trồng; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp sinh học nhằm nâng cao khả năng sinh sản và bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng vật liệu nano, vật liệu polyme - compozit đặc biệt phục vụ cho một số lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường, vật liệu nhẹ dùng trong xây dựng…; ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản.
Lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp cơ giới hóa trong sản xuất nông lâm nghiệp và chế biến sản phẩm nông lâm sản; nghiên cứu phát triển, tích hợp công nghệ tự động hóa, công nghệ số và công nghệ tiên tiến để phát triển các mô hình sản xuất, quản trị doanh nghiệp thông minh, hiện đại.
Về lĩnh vực khác, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các phần mềm và nội dung số đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm phần mềm; xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm đặc trưng, đặc sản địa phương và có thị trường tiêu thụ lớn./.