Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT và các cơ quan chuyên môn tại địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đăng kiểm phương tiện; khẩn trương rà soát các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (TTĐK) đã bị tạm dừng hoạt động và tổ chức kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định cho các TTĐK đủ điều kiện; chủ động tổng hợp, thống kê tình hình đăng kiểm viên của các TTĐK trên địa bàn để tham mưu, đề xuất phương án bổ sung nhân sự phù hợp nhằm giúp cho các TTĐK duy trì hoạt động kiểm định được liên tục, tránh đứt gãy nguồn cung ứng dịch vụ đăng kiểm, phục vụ tốt nhu cầu cấp thiết của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, bố trí lực lượng, hướng dẫn, phân luồng đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các TTĐK; tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân chủ động lựa chọn, đăng ký đặt lịch kiểm định tại các TTĐK, tránh tình trạng tập trung số lượng lớn phương tiện chờ tại khu vực lân cận các TTĐK dẫn đến ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông cục bộ.
Tăng cường công tác phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam trong hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đăng kiểm, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, nhân viên làm công tác đăng kiểm; tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ nhằm ngăn ngừa các hành vi tiêu cực.
Bên cạnh đó, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn, cũng như thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp quy định tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ./.