Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện tiết kiệm, cắt giảm 05% chi thường xuyên ngân sách nhà nước; nguồn thu phí được khấu trừ để lại, nguồn thu sự nghiệp, thu khác được để lại theo chế độ được giao đầu năm 2024 để chi thường xuyên của các đơn vị dự toán thuộc các sở, ban, ngành, địa phương; các đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn được giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 sau khi loại trừ các khoản: chi lương, có tính chất tiền lương và các khoản chi cho con người; các khoản chi theo các cam kết quốc tế; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa theo các hợp đồng cung ứng hàng hóa, dịch vụ đã ký hợp đồng trước ngày 07/8/2024 và tiếp tục thực hiện trong năm 2024; các gói thầu đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước ngày 07/8/2024; kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đặc thù, quan trọng không thực hiện cắt giảm.
Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách xác định số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm gửi cơ quan quản lý cấp trên rà soát, tổng hợp gửi cơ quan tài chính báo cáo UBND cùng cấp xem xét, quyết định. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chi tiết theo từng lĩnh vực chi (kể cả các cơ quan, đơn vị hành chính đã được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính; các cơ quan, đơn vị chi hoạt động thường xuyên từ nguồn thu phí được khấu trừ để lại, nguồn thu nghiệp vụ được để lại) gửi Kho bạc nhà nước để kiểm soát chi.
Về quản lý kinh phí cắt giảm, tiết kiệm, đối với kinh phí cắt, giảm, tiết kiệm từ nguồn ngân sách, thực hiện sau khi có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07/8/2024 của Chính phủ.
Đối với kinh phí cắt giảm, tiết kiệm từ nguồn thu phí được khấu trừ để lại theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, căn cứ quyết định cắt giảm, tiết kiệm của cơ quan chủ quản, các cơ quan, đơn vị thực hiện nộp kinh phí cắt giảm, tiết kiệm vào ngân sách nhà nước. Đến hết năm ngân sách, trường hợp số thu có biến động so với dự toán giao đầu năm, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý cấp trên quyết định điều chỉnh kinh phí cắt giảm, tiết kiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu rà soát, báo cáo. Các đơn vị dự toán khối tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp số cắt giảm, tiết kiệm gửi về Sở Tài chính.
Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính số cắt giảm, tiết kiệm./.