Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 06/04/2022 08:00
(CTTĐTBP) - Tháng 4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng, trở thành nơi đặt cơ quan lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam, là trung tâm chính trị của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và là Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lộc Ninh đã đoàn kết, phát huy lợi thế vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đó là khẳng định của ông Lê Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh khi trao đổi với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh (7/4/1972 - 7/4/2022).
Nhiều lợi thế, nhiều mục tiêu
Trước hết phải khẳng định Lộc Ninh có vị trí địa lý cực kỳ quan trọng. Bởi hơn 110km đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia không chỉ là phên giậu của riêng Lộc Ninh mà cho cả tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ. Lộc Ninh còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, cửa khẩu quốc gia, cặp lối mở và là huyện dẫn đầu cả tỉnh về số lượng cũng như các loại hình di tích từ cấp quốc gia đặc biệt cho đến cấp tỉnh. Tôi điểm qua một vài đặc điểm và con số như thế để thấy rõ lợi thế của Lộc Ninh trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Với vai trò vị trí như thế, chiến lược phát triển của Lộc Ninh chúng tôi xác định trước hết phải làm tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự của một huyện biên giới. Thứ hai là phải tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở để làm nền tảng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác và cả đời sống kinh tế của người dân phát triển nhanh và bền vững. Thứ ba là tập trung cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đó là xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ tư là tập trung kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch dựa vào lợi thế các loại hình di tích trên địa bàn huyện. Thứ năm là làm tốt công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo đối tượng gia đình chính sách, người có công với cách mạng và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chỉ tiêu, nhiệm vụ cao hơn = kết quả cao hơn
Kết quả nổi bật nhất là các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao và HĐND huyện đề ra. Phương châm của huyện đặt ra là chỉ tiêu, nhiệm vụ năm sau luôn cao hơn năm trước để góp phần nâng cao đời sống tinh thần lẫn vật chất cho nhân dân bằng những việc làm cụ thể. Thứ hai là chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện luôn đoàn kết, phối hợp với các đơn vị bạn để thực hiện tốt công tác đối ngoại với các huyện, tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia trong mọi tình huống. Thứ ba là kết cấu hạ tầng cơ bản được đầu tư, phát triển nhanh như điện, đường, trường, trạm… giúp diện mạo của huyện cũng như vùng nông thôn thêm khang trang và thuận lợi hơn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển cũng là động lực góp phần thúc đẩy doanh nghiệp cũng như các tầng lớp nhân dân thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ở thời điểm hiện tại, huyện Lộc Ninh đã có 12/15 xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu đến năm 2023, huyện có 15/15 xã về đích và Lộc Ninh cũng trở thành huyện NTM. Công tác giảm nghèo trong thời gian qua rất được quan tâm bằng nhiều nguồn lực, giải pháp tổng hợp để giảm nhanh và hạn chế được tình trạng tái nghèo. Theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo huyện Lộc Ninh chỉ còn 1,75%, tương đương 568 hộ.
GRDP thời kỳ 2012-2021 bình quân mỗi năm tăng 13,32%. Công nghiệp - xây dựng từ 3,89% tăng lên 18,50%, dịch vụ tăng từ 24,06% lên 27,99% và nông - lâm nghiệp từ 72,05% giảm còn 53,51%. GRDP bình quân đầu người tăng từ 10,7 triệu đồng lên 68,2 triệu đồng/người/năm, gấp 6,4 lần so với năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,65% xuống còn 1,75%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 là 526,926 tỷ đồng, đạt 124% dự toán tỉnh giao, tăng 3,76 lần so với năm 2012. Tổng chi ngân sách 1.131,297 tỷ đồng, đạt 126% dự toán tỉnh giao, tăng 3,21 lần so với năm 2012.
Thành tựu thứ ba là phát triển văn hóa. Chúng tôi rất chú trọng đến công tác phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Đặc biệt, huyện Lộc Ninh có đến 14 thành phần dân tộc, trong đó 2 cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ là S’tiêng và Khmer chiếm số đông. Ý thức được giá trị văn hóa truyền thống, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong huyện không chỉ chăm lo đời sống kinh tế, vật chất mà còn phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, đạt thành tích xuất sắc liên tục trong nhiều năm qua.
Hạ tầng cơ sở phải đi trước một bước
Quan điểm chúng tôi là hạ tầng cơ sở phải luôn đi trước một bước để làm nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển theo. Điều này rất được tỉnh ủng hộ nên nhiều tuyến đường chính như quốc lộ 13 được đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu lưu lượng phương tiện ngày càng cao, đồng thời góp phần thúc đẩy khu kinh tế cửa khẩu phát triển. Bên cạnh đó, các khu đô thị cũng được quan tâm, chỉnh trang đầu tư để tạo nên môi trường, cơ sở hạ tầng tốt hơn cho người dân sinh sống.
Lộc Ninh có tổng diện tích hơn 860km2 nên chúng tôi tận dụng nguồn lực đầu tư của tỉnh, huyện trong đấu giá đất đai và cả nguồn lực trong nhân dân. Nhân dân đã đồng tình ủng hộ hiến đất để đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù của tỉnh. Điều này giúp cho tất cả tuyến đường giao thông nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới được bê tông hoặc nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, đồng thời tạo nên diện mạo nông thôn, miền núi của Lộc Ninh thêm khang trang, sạch đẹp hơn. Đây là kết quả thật đáng tự hào, thể hiện sự đồng thuận của người dân cùng chính quyền, tình đoàn kết cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới Lộc Ninh.
Nguồn vốn Trung ương và tỉnh đã đầu tư nâng cấp Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ chỉ huy miền Tà Thiết (căn cứ Tà Thiết), đường tránh quốc lộ 13 qua thị trấn Lộc Ninh, nâng cấp, mở rộng đường Phan Chu Trinh, các tuyến đường quy hoạch các xã biên giới, mương thoát nước Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với tổng vốn 1.180 tỷ đồng. Chương trình nông thôn mới đã đầu tư 301 tỷ đồng để làm 392,1km đường giao thông nông thôn theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Toàn huyện có 70km đường nông thôn được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng.
Xác định rõ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện rất tự hào với truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử ngày 7-4-1972 giải phóng Lộc Ninh - huyện đầu tiên của miền Nam lúc bấy giờ được giải phóng. Chính niềm tự hào này, truyền thống này, ý chí bất khuất này sau 50 năm và cả mai sau vẫn mãi là ngọn đuốc dẫn đường, động lực cho toàn Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Lộc Ninh vượt qua mọi khó khăn, thách thức đã được kiểm chứng bằng thực tiễn trong suốt 50 năm qua. Các thế hệ trẻ của huyện Lộc Ninh hôm nay luôn cố gắng trong lao động, sản xuất, học tập và trong mọi công tác khác.
Chúng tôi tâm niệm những lúc gặp khó khăn, thách thức sẽ nghĩ đến sự hy sinh cao cả của các anh, các chị trong đấu tranh để từ đó soi rọi, xác định rõ trách nhiệm bản thân cần phải cố gắng, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là người con của quê hương Lộc Ninh anh hùng./.