Thúc đẩy thanh toán số

Thứ năm - 21/04/2022 09:47
Tự động phát:
(CTTĐTBP) - Một xu hướng đang thấy rõ hiện nay là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thói quen thanh toán bằng tiền mặt đã giảm đáng kể, thay vào đó là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang lên ngôi. Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đang được người dân sử dụng để thúc đẩy thanh toán số vì sự tiện lợi, an toàn, nhanh chóng với chi phí hợp lý. Xu hướng này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian gần đây khi có sự tham gia của dịch vụ Mobile Money - phương thức thanh toán này có thể sử dụng ở nơi không có sóng 3G, 4G, không cần điện thoại thông minh hay tài khoản ngân hàng.
 

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ Mobile Money. Điều này mở ra nhiều điều kiện để mở rộng hệ sinh thái thanh toán điện tử nói riêng và phát triển kinh tế số nói chung.

Mobile Money tạo động lực cho thanh toán điện tử

Dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian qua đã làm thay đổi đáng kể nhận thức, thói quen của người dân đối với việc giao dịch trên nền tảng số, trong đó có các giao dịch điện tử như: thanh toán trực tuyến, thẻ tín dụng, ví điện tử, các ứng dụng QR code... Từ khi sử dụng dịch vụ Mobile Money, ông Lê Công Háo ở phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài đã không còn lo ngại đến chuyện quên ví tiền ở nhà do không cần phải dùng tiền mặt để trả các khoản chi phí nhỏ như tiền cà phê hay nhu yếu phẩm thiết yếu. Ông chỉ cần quét mã QR và nhập số tiền cần thanh toán thì đã có thể thanh toán tiền qua điện thoại. Người bán hàng nhận được tiền ngay. “Các thành viên trong gia đình tôi đều sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử như: Internet banking, ví điện tử, Mobile Money để thanh toán các giao dịch ăn uống, giải trí, du lịch... Vì vậy, khi đi ra ngoài chỉ cần mang theo điện thoại thông minh là đủ” - ông Háo hào hứng chia sẻ.

Các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Đồng Xoài chủ động đăng ký điểm thanh toán VNPT Money để khách mua hàng có thể thanh toán các hàng hóa có giá trị nhỏ mà không cần phải trả tiền mặt

Khác với ví điện tử hoặc dịch vụ ngân hàng số, Mobile Money không yêu cầu người dùng phải có tài khoản ngân hàng. Địa điểm chấp nhận thanh toán dịch vụ này đang ngày càng phát triển đến những nơi buôn bán nhỏ lẻ như cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh để mỗi người dân đều có thể cài đặt và sử dụng.

Buôn bán tạp hóa tại chợ Đồng Xoài, lượng khách ra vào cửa hàng mua sắm thường xuyên nên bà Trần Thị Kim Cương, chủ tiệm tạp hóa Ngọc Cương, đường Điểu Ong, chợ Đồng Xoài đã chủ động đăng ký điểm thanh toán VNPT Money để khách mua hàng có thể thanh toán các hàng hóa có giá trị nhỏ mà không cần phải đưa tiền mặt. 

Hiện nhiều công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... trên địa bàn tỉnh đã mở rộng thêm nhiều hình thức thanh toán như: hỗ trợ thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng, áp dụng các ứng dụng thanh toán tiêu dùng thông qua các ứng dụng tích hợp trong điện thoại thông minh để người dân có nhiều sự lựa chọn khi thanh toán.

Sử dụng các dịch vụ tài chính số giúp việc kinh doanh linh hoạt hơn, giảm nhân viên bán hàng, tiết kiệm thời gian, công sức kiểm đếm tiền mặt, kiểm soát tốt doanh thu hằng ngày, tránh bị thất thoát.

Anh Hoàng Anh Tuấn,
chủ quán An Coffee, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài

 

Phát triển hệ sinh thái thanh toán số

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm tới cho 3 nhà mạng là Vinaphone, Mobifone và Viettel. Hiện các nhà mạng đã xây dựng hệ thống địa điểm chấp nhận thanh toán dịch vụ Mobile Money ở hầu hết các điểm kinh doanh, cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ như một “ví tiền di động”. Đa phần người dùng đều nhận định Mobile Money đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, đặc biệt trong thanh toán các hóa đơn, hay khoản tiền nhỏ.

VNPT Bình Phước đang đẩy nhanh việc phát triển mạng lưới các địa điểm chấp nhận thanh toán, mở tài khoản VNPT Money cho người dân

Chị Đinh Thị Là ở thôn 6, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng bày tỏ sự hài lòng bởi: “Thanh toán qua các dịch vụ ngân hàng điện tử nói chung và Mobile Money nói riêng được triển khai rộng khắp sẽ rất tiện lợi, hữu ích cho người tiêu dùng khi có thể nhận và chuyển tiền ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt là ở vùng nông thôn không có mạng 3G, 4G. Đồng thời, các hình thức thanh toán này cũng cho phép kết nối nhiều dịch vụ hơn, giúp việc thanh toán, giao dịch trở nên thuận tiện và tối ưu”.

Toàn tỉnh có gần 1,3 triệu thuê bao di động, đạt 114 thuê bao/100 dân. Điều này cho thấy, người dân trong tỉnh sử dụng điện thoại di động với tỷ lệ khá cao. Mobile Money đưa vào thí điểm sử dụng có thể tiếp cận được một lượng lớn người dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, xa. Nhất là người dân chưa có điều kiện sử dụng mạng internet hay điện thoại thông minh vẫn có thể thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ. Đây được xem là dư địa phát triển rất lớn so với tiềm năng thực tế.


Ông Vũ Đức Quang,
Giám đốc kinh doanh VNPT Đồng Xoài
 

Dù vẫn còn là phương thức thanh toán mới đối với người dân thường đi chợ truyền thống nhưng việc thanh toán qua tài khoản, ví điện tử hay Mobile Money sẽ tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số và mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân. Để “tiền di động” được đông đảo người dân sử dụng, các nhà mạng đang đẩy nhanh việc phát triển mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán, mở tài khoản Mobile Money cho người dân. Đến nay, dịch vụ này đã có hàng chục ngàn tài khoản đăng ký, hàng ngàn điểm chấp nhận thanh toán trong toàn tỉnh, phục vụ tốt cho các hoạt động nạp, rút tiền mà không cần đến chi nhánh ngân hàng.

Việt Nam có hơn 835.000 người sử dụng dịch vụ Mobile Money, trong đó hơn một nửa là tại nông thôn, vùng sâu, xa. 63 tỉnh, thành đều đã có các điểm kinh doanh Mobile Money, nhưng tại nông thôn mới có 537 điểm, chiếm 20% trong tổng số 2.642 điểm trên toàn quốc.

Đến hết quý 1/2022, số đơn vị chấp nhận sử dụng tài khoản Mobile Money để thanh toán là 11.254. Số lượng giao dịch đạt 7,5 triệu, với tổng giá trị 280 tỷ đồng. Kết quả này bước đầu đã đạt được mục tiêu đề ra về thí điểm dịch vụ an toàn trong giai đoạn đầu triển khai, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính cho người dân./.

Tác giả: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,972
  • Hôm nay565,066
  • Tháng hiện tại10,389,328
  • Tổng lượt truy cập455,784,450
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây