Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ hai - 19/06/2023 09:20
(CTTĐTBP) - Ngày càng có nhiều lĩnh vực, nhiều người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bởi những lợi ích mang lại. Trong lĩnh vực y tế, thanh toán số đang tạo thuận tiện cho cả cơ sở khám, chữa bệnh và bệnh nhân, giảm thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, bên cạnh những đơn vị kêu khó vì nhiều lý do thì cũng có không ít cơ sở khám, chữa bệnh linh hoạt các hình thức thực hiện với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt khá cao.
Linh hoạt từ người đứng đầu
Từ khi đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước đã có gần 41.000 lượt người đến đăng ký khám, chữa bệnh. Trong đó, gần 100% lượt bệnh nhân đã thực hiện thanh toán viện phí bằng hình thức chuyển khoản, dẫn đầu trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh. Để đạt được tỷ lệ này, lãnh đạo bệnh viện đã ký kết với VNPT xây dựng phần mềm riêng phục vụ việc thu viện phí không dùng tiền mặt.
Anh Nguyễn Khắc Vũ, chuyên viên công nghệ thông tin, Trung tâm Công nghệ thông tin, VNPT Bình Phước cho biết: Bệnh viện đã phối hợp VNPT xây dựng mã QR động tích hợp lên phiếu thu tiền. Số tiền cần thanh toán gắn với tài khoản của bệnh viện. Bệnh nhân chỉ cần đăng nhập ứng dụng Mobile Banking, quét mã QR hiển thị trên phiếu thu cần thanh toán. Sau đó kiểm tra, xác nhận thông tin giao dịch mà không cần qua quầy thu ngân của bệnh viện.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Hữu Hòa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, thanh toán không dùng tiền mặt không cần nhiều nguồn lực đầu tư, quan trọng là căn cứ tình hình thực tế của đơn vị để triển khai các giải pháp phù hợp. “Lãnh đạo bệnh viện phải trực tiếp vào cuộc, từ việc ban hành kế hoạch đến giải pháp thực hiện. Trong đó, chúng tôi tập trung vào 3 nhóm đối tượng, đó là cán bộ, viên chức, người lao động tại đơn vị đều phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; bệnh nhân trước khi ra viện đều được tư vấn chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; tại các khoa khám bệnh đều cử người trực tư vấn để người bệnh hiểu rõ lợi ích khi chọn thanh toán số. Điều này không chỉ giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn thanh toán mà còn hạn chế những rủi ro phát sinh khi thanh toán viện phí” - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lê Hữu Hòa cho biết.
Còn tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân như Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài, người dân có nhu cầu đến thăm khám sẽ lấy số thứ tự, được chỉ định thăm khám và sau cùng là đến quầy viện phí để đóng tiền. Thay vì mang theo tiền mặt khi đưa người nhà đi khám bệnh, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung ở xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài chỉ đem theo chiếc điện thoại có kết nối internet là có thể thanh toán các dịch vụ y tế. Theo chị, việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm thời gian chờ đợi và hạn chế rủi ro. Chị chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh là hoàn thành việc thanh toán. Sau khi được nhân viên y tế hướng dẫn đóng viện phí không dùng tiền mặt, tất cả thủ tục thực hiện chỉ vài phút thay vì chờ đợi như trước.
Với lượng bệnh nhân đến khám và điều trị trong ngày rất đông, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quét mã QR, chuyển khoản ngân hàng đã đạt hơn 50%. Những ngày đông bệnh nhân, không còn cảnh xếp hàng chờ thanh toán. Chị Nguyễn Hà Nhật Linh, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước chia sẻ: “Bệnh viện đang triển khai rất nhiều phương thức thanh toán số để bệnh nhân dễ dàng thực hiện. Việc làm này không chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của người dân vì quy trình thanh toán đơn giản, nhanh gọn mà còn giúp dễ dàng kiểm soát nguồn thu và giảm áp lực cho nhân viên thu phí, tiết kiệm chi phí trong nộp rút tiền mặt”.
Cần quyết liệt hơn nữa
Chính sự tiện lợi của thanh toán không dùng tiền mặt mà các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã triển khai thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh bằng phương thức chuyển khoản từ nhiều năm nay. Các trung tâm y tế đã ký kết với bên cung cấp phần mềm quản lý khám, chữa bệnh, phối hợp ngân hàng tích hợp module thanh toán vào phần mềm. Đồng thời mở thêm các kênh thanh toán như: Viettel Money, VNPT Pay, Zalo Pay, Ví Momo... nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Nguyên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế nhấn mạnh: Thanh toán không dùng tiền mặt đang giúp xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, hạn chế tối đa rủi ro xảy ra khi dùng tiền mặt. Ðồng thời hỗ trợ bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh quản lý viện phí hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của các đơn vị thì nhiều người dân vẫn thờ ơ, dẫn đến tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế chưa đạt như kỳ vọng. Người dân vẫn còn thói quen trả tiền mặt trong các giao dịch. Để đạt mục tiêu đến cuối năm nay hoàn thành 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong khám, chữa bệnh, người đứng đầu phải quyết liệt hơn nữa, quyết tâm triển khai ngay từ cán bộ, công chức của đơn vị mình và hướng dẫn người nhà cùng thực hiện.
“Muốn quy trình thanh toán không dùng tiền mặt chạy thông suốt phải có phần mềm tốt. Vì vậy, rất cần các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian, hệ thống các ngân hàng, đơn vị viễn thông đồng hành với ngành y tế”.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế ĐỖ THỊ NGUYÊN
Thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế là nhiệm vụ khó, đòi hỏi quá trình thực hiện liên tục, lâu dài. Với quyết tâm cao của tỉnh, Sở Y tế đang tích cực phối hợp các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn từ cơ sở; hướng dẫn, khuyến khích người dân thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, như vậy nhiệm vụ đặt ra mới đạt hiệu quả./.