Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 07/12/2022 10:36
(CTTĐTBP) - Thời gian qua, xã Phước Tân của huyện Phú Riềng có 2 hợp tác xã (HTX) trồng sầu riêng được lựa chọn làm hồ sơ và kiểm tra trực tuyến về cấp mã số vùng trồng. Đến nay, HTX cây ăn trái Nông Thành Phát đã được phê duyệt của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) đối với mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Đây là niềm vui mới, cơ hội mới, cũng là thách thức mới cho tất cả các vùng trồng sầu riêng nói chung và vùng trồng sầu riêng của HTX cây ăn trái Nông Thành Phát nói riêng. Không giấu được sự phấn khởi, ông Nguyễn Xuân Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX cây ăn trái Nông Thành Phát chia sẻ: “Tôi rất vui vì sau 4 năm nỗ lực, nay đã có kết quả như mong đợi. Thành viên HTX phấn khởi vì trái sầu riêng của mình trồng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đó là động lực để nông dân cùng nhau cố gắng, quyết tâm duy trì bền vững”.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời, bảo đảm nông sản lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng bị sản phẩm khác trà trộn. HTX cây ăn trái Nông Thành Phát được cấp mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của tỉnh Bình Phước nói chung và huyện Phú Riềng nói riêng. Việc này không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mà còn góp phần giúp nông sản Bình Phước có “vé thông hành” vào thị trường quốc tế.
HTX cây ăn trái Nông Thành Phát thành lập ngày 19/5/2019 với 22 thành viên, đến nay phát triển lên 35 thành viên. HTX hiện quản lý hơn 70 ha sầu riêng, trong đó một nửa diện tích đang kinh doanh, còn lại trong giai đoạn kiến thiết, có năng suất trung bình 20 tấn/ha. Nhờ hoạt động hiệu quả, thời gian qua HTX đã giúp thành viên nâng cao hiệu suất vườn cây, cải thiện kinh tế gia đình và hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Ông Nguyễn Thành Tâm - thành viên HTX cho biết: “Nông dân trồng sầu riêng tham gia HTX có nhiều lợi ích. Được HTX đứng ra mua phân bón với số lượng lớn nên giá rẻ hơn. Sầu riêng được HTX bán tập trung, quy mô lớn nên giá cao hơn. Nhà vườn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, được nhà nước hỗ trợ vay vốn, lắp béc tưới theo nhu cầu…”. Với tổng 75 ha sầu riêng được cấp mã vùng trồng đợt này, gia đình ông Tâm có khoảng 200 cây với diện tích 1,2 ha. Tuy nhiên, ông Tâm khẳng định việc trở thành thành viên HTX là lựa chọn đúng. Giờ đây, khi HTX được cấp mã vùng trồng, ông tự tin tăng diện tích trồng mới mà không còn lo về đầu ra cho sản phẩm.
Trong các đợt xét duyệt để được cấp mã vùng trồng, huyện Phú Riềng đã tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhiều cơ sở làm hồ sơ. Tuy nhiên, qua xét duyệt, đợt này chỉ có HTX cây ăn trái Nông Thành Phát được cấp mã vùng trồng. Theo ông Thái Văn Hóa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, khó khăn lớn nhất hiện nay là tuyên truyền để thành viên HTX chấp hành các tiêu chí, điều kiện để được cấp mã vùng trồng. Do vẫn còn một số xã viên nhận thức chưa đầy đủ, chưa có sự đồng thuận cao. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện hồ sơ cấp mã vùng trồng.
Quá trình 4 năm làm hồ sơ để HTX cây ăn trái Nông Thành Phát được cấp mã vùng trồng càng khiến các thành viên hiểu rõ tầm quan trọng của việc cấp mã vùng trồng. Tuy nhiên, việc duy trì và giữ vững cũng là thách thức đối với các thành viên. Theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, để giữ vững mã vùng trồng, trước kỳ thu hoạch 30 ngày, HTX phải hoàn thiện hồ sơ để đánh giá lại toàn bộ hoạt động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn mã vùng trồng để duy trì hiệu lực của mã vùng trồng. Vì vậy, thành viên HTX phải nắm rõ quy trình, tuân thủ thực hiện và hợp tác với cơ quan chức năng để duy trì mã số vùng trồng.
Việc xây dựng vùng trồng gắn liền với cấp mã số vùng là xu hướng tất yếu của các thị trường nhập khẩu. Đây cũng là tiêu chuẩn quan trọng để được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đến nay, huyện Phú Riềng có hơn 700 ha sầu riêng, trong đó hơn 200 ha trong thời kỳ kinh doanh, còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Tương lai gần, sầu riêng sẽ là một trong những loại cây trồng lợi thế của huyện Phú Riềng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Thái Văn Hóa cho biết thêm: Đợt này, Cục Bảo vệ thực vật công nhận toàn quốc có 51 mã vùng trồng đối với sầu riêng, trong đó Bình Phước có 5 mã, huyện Phú Riềng có 1 mã là HTX cây ăn trái Nông Thành Phát với 75 ha. Đây là điều kiện cần và đủ để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Việc này đồng nghĩa, chúng ta sẽ chủ động hơn trong xuất khẩu, giúp nông dân tiêu thụ số lượng nông sản lớn khi đến mùa vụ, tránh rủi ro./.