Đồng bào các dân tộc ở Lộc Ninh với chiến thắng lịch sử 7-4

Thứ hai - 04/04/2022 09:48 1611
(CTTĐTBP) - Chiến thắng ở chiến trường Lộc Ninh ngày 7-4-1972 đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Lộc Ninh - huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chiến trường miền Nam mà trực tiếp là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thành công đó có vai trò đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Lộc Ninh, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 

HĂNG HÁI THAM GIA CÙNG BỘ ĐỘI

Ở vị trí chiến lược quan trọng, đế quốc Mỹ liên tục đánh bom phá hoại, gây ra nhiều tội ác trên chiến trường Lộc Ninh. Yêu nước, căm thù giặc, gắn bó với quê hương và khát khao hòa bình, tự do, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở huyện Lộc Ninh đã hăng hái lên đường, trở thành bộ đội địa phương, dân quân, du kích, sát cánh cùng bộ đội chủ lực anh dũng, kiên cường đấu tranh giải phóng quê hương.
 

1
Các cựu chiến binh, nhân dân xã Lộc Khánh một thời xông pha trong chiến dịch giải phóng Lộc Ninh gặp nhau ôn lại ký ức 50 năm về trước
Cựu chiến binh Lâm Khên ở ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh kể lại: Ở Lộc Ninh những ngày này của 50 năm về trước, quân đi như thác đổ, quân về như nước dâng. Xe chạy từng đoàn dài hàng cây số tung bụi đỏ rực các rừng le và rừng cao su ven lộ. Quân đóng kín rừng, đồng bào Lộc Ninh, không kể già, trẻ, gái, trai đã tham gia vào chiến dịch theo cách riêng của mình. Nhà nào cũng có con nuôi, em nuôi là bộ đội. Cứ sáng sớm, mỗi nhà đều có một lu nước sạch, một ít trái cây, không thì rổ khoai mì luộc bưng ra ven rừng, ven lộ đưa cho bộ đội. Nhà của đồng bào lúc nào cũng chật chội vì không đủ cho bộ đội về đóng quân. Các phương tiện vận tải như xe đạp, xe thồ, xe máy, xe bò, xe kéo đều được huy động phục vụ bộ đội. Hàng ngàn đồng bào đã xung phong đi dân công hỏa tuyến…
 
2
Cựu chiến binh Lâm Khên, ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh kể lại những ngày đồng bào trong ấp xung phong ra mặt trận lửa đạn chống giặc

Dân quân, du kích các phum, sóc vừa canh gác vừa dọn đường cho bộ đội. Nhiều đoạn đường xe tăng, xe tải chạy suốt ngày đêm. Đồng bào chặt cây cắm ở các mép đường cho xe chạy đúng tuyến, khỏi lạc tay lái xuống hố bom, vực thẳm. Đồng bào các dân tộc ở huyện Lộc Ninh đã thực sự được sống và chiến đấu trong những thời khắc lịch sử mà “một ngày bằng 20 năm”. 

Kể lại những ngày chưa giải phóng, bà Thị Sa Pên ở ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh khi đó 18 tuổi, còn nhớ như in những ngày vượt mưa bom bão đạn, vượt hàng rào địch tiếp tế cho bộ đội. Bà kể: “Khổ cực lắm. Máy bay rầm rầm trên đầu. Hết tàn phá Lộc Ninh, chúng đánh xuống Bình Long. Chùa Khmer bị tàn phá nặng nề. Để tiếp tế các vật dụng, thuốc men, lương thực cho bộ đội, tôi phải ngụy trang vào gùi rồi vờ đi làm đồng, cắt cỏ… Mỗi người dân ở Lộc Ninh khi đó đều ngụy trang như thế để tiếp tế cho bộ đội. Nhờ vậy mà ta đã đánh thắng giặc Mỹ”.
 

3
Bà Thị Sa Pên, ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh một thời gùi gạo nuôi bộ đội địa phương chống Mỹ

Tham gia chiến dịch giải phóng Lộc Ninh, Bình Long và chống Pôl Pốt từ năm 1969-1979, ông Lâm Ben ở ấp Sóc Lớn nhớ mãi: “Ở trận giải phóng Lộc Ninh, khi lính Mỹ đánh bom, nhân dân Sóc Lớn vẫn kiên trì bám sóc, không ai chạy đi đâu hết, tất cả đều ở lại. Để tránh thương vong, khi giao liên thông tin hướng đánh bom của giặc hoặc căn máy bay của chúng thả bom ở khu vực nào thì bà con tránh đi nơi khác. Lúc bấy giờ bà con tham gia tải gạo, tải đạn phục vụ bộ đội. Mỹ đánh bom liên hồi nhưng bà con không ai sợ hết”. 

ĐOÀN KẾT KHÔI PHỤC SAU GIẢI PHÓNG

Sau giải phóng, huyện Lộc Ninh bị tàn phá nặng nề. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lộc Ninh bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh. Thế nhưng, để mất Lộc Ninh, phòng tuyến vòng ngoài Sài Gòn bị phá vỡ, nên Mỹ - ngụy rất hoang mang và tiếp tục đánh bom tái chiếm Lộc Ninh. Ngày 3-6-1972, chúng đem bom dội xuống chợ Lộc Ninh, làm hơn 300 đồng bào chết và bị thương. Nhiều máy bay ngụy có nhiệm vụ đi đánh phá các vùng cách mạng ở Tây Nguyên, Nam Lào nhưng chúng sợ bị bắn rơi ở vùng ngoài nên cứ đem bom thả bừa xuống Lộc Ninh rồi trở về căn cứ. Chúng đã giết hại nhiều đồng bào vô tội và làm cho một bộ phận dân cư ở đây phải tìm cách rời đi nơi khác để tránh bom pháo của địch.
 

Để cứu đói, Huyện ủy Lộc Ninh phát động phong trào “sản xuất lương thực” trong toàn huyện. Bộ đội và du kích các xã tập trung tháo gỡ bom mìn, dẹp bỏ rào gai, cùng nhân dân khai hoang hơn 1.000 ha đất canh tác. Cán bộ các cơ quan, ban, ngành của huyện đi các nơi tìm mua hạt, cây - con giống cung cấp cho dân. Một số “Tổ đoàn kết” trong nhân dân đã ra đời để hỗ trợ phát triển sản xuất và giúp nhau trong cuộc sống. Tinh thần chung là nỗ lực tự chủ về lương thực để chống đói.

Ông Trịnh Lương Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh

 

Sau tháng 4-1972, hàng chục ngàn đồng bào Việt kiều Campuchia chạy về Lộc Ninh chỉ với 2 bàn tay trắng, dân số Lộc Ninh từ 30.000 người tăng lên gấp đôi. Lúc ấy lương thực, thực phẩm khan hiếm, cả huyện Lộc Ninh chỉ còn chưa đầy 100 tấn gạo, nếu cấp thì mỗi người chỉ được bình quân 1,5kg. Địch lại ra sức thực hiện chính sách “bao vây kinh tế vùng giải phóng”, chúng tìm cách khống chế mọi con đường dẫn đến Lộc Ninh khiến thiếu đói trầm trọng.

Để giải quyết bài toán đó, Trung ương Cục miền Nam đã gửi 1.000 tấn gạo, muối, thuốc men về Bình Phước. Ở Lộc Ninh, từng đoàn xe của Tổng cục Hậu cần nối nhau chở gạo đến tận phum, sóc. Dân y Miền cử đoàn cán bộ y tế có kinh nghiệm đến các địa bàn Lộc Ninh để chữa bệnh cho dân.

Huyện ủy Lộc Ninh chỉ đạo các ban, ngành và các xã tổ chức thu mua hoặc đổi lương thực ở bên kia biên giới về cứu đói cho đồng bào. Nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cách mạng ngày đêm bám cơ sở bên đất Campuchia để mua khoai, củ mì, gạo, lúa về cấp cho dân. Bộ đội, du kích, thanh niên lăn lộn trong rừng sâu tìm củ rừng, khoai mì về cứu đói cho dân. Nhờ đó, nhiều trường hợp bị đói đã được cứu sống.
 

4
Ông Lâm Ben ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh kể về những ngày đầu khôi phục sản xuất sau giải phóng

Ông Lâm Ben nhớ lại: “Sau giải phóng, Lộc Ninh khó khăn lắm, nhân dân các vùng hỗ trợ nhau cùng vượt khó. Bà con ở thị trấn Lộc Ninh nhờ nông dân Lộc Khánh về lúa gạo, còn Lộc Khánh thì được nhân dân thị trấn Lộc Ninh hỗ trợ các loại hạt, cây giống như bắp, đậu, khoai mì…”.

ĐƯA LỘC NINH PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

Phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, ngày nay, với sự quan tâm đầu tư đồng bộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc ở huyện Lộc Ninh một lần nữa lại đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Điển hình là trong xây dựng nông thôn mới và phòng, chống đại dịch Covid-19. Không ai bảo ai, đồng bào các dân tộc ở huyện Lộc Ninh trân trọng quá khứ, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của bảo vệ thành quả cách mạng, cùng Nhà nước làm đường giao thông, xây dựng môi trường sống xanh, an toàn và tiên phong ra tuyến đầu chống dịch.
 

5
Ông Lâm Móp, nguyên chiến sĩ Đại đội C31

Lúc bấy giờ đi lính ở rừng, phải ăn củ chụp, ăn rau tàu bay, ăn cây chuối để sống, nhưng tinh thần chiến đấu thì cao lắm. Thà chết chứ không chịu làm nô lệ. Phải quyết tâm bảo vệ từng tấc đất quê hương để cho con cháu sau này.

Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, cùng với Nhà nước, nhân dân Lộc Ninh đã đóng góp gần 10 tỷ đồng chung tay xây dựng nông thôn mới; thành lập 63 gian hàng hỗ trợ người khó khăn do dịch Covid-19; tiếp nhận trên 2 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm… của các mạnh thường quân đồng hành với lực lượng chức năng và người dân chống dịch.

Bà Thị Pon ở ấp 8C, xã Lộc Hòa chia sẻ: Đời sống nhân dân Lộc Ninh ngày nay khác trước rồi. Đường sá đi lại thuận tiện. Nhà nước quan tâm đầu tư điện, nước, trường học đầy đủ. Mọi người đều có việc làm, không còn ai thiếu đói. Mừng nhất là ở huyện đã có các nhà máy, xí nghiệp tạo nhiều việc làm cho người dân, không phải về tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh như trước nữa.

Theo ông Hồ Quang Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, người dân nơi đây rất tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương. Bà con luôn đoàn kết, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và bảo vệ bình yên trên tuyến biên giới. Chính tinh thần ấy là động lực quan trọng để Lộc Ninh vững bước trên con đường hội nhập và phát triển./.

Tác giả bài viết: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,286
  • Hôm nay155,646
  • Tháng hiện tại155,646
  • Tổng lượt truy cập406,897,500
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây