(CTTĐTBP) - Sau chuyến đi thực tế và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về một số đề xuất, kiến nghị, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 3 định hướng lớn cho sự phát triển của Bình Phước và xuyên suốt trong kết luận chỉ đạo của Thủ tướng là tinh thần tự lực, tự cường, tự khơi thông nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển.
Qua làm việc tại tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Bình Phước có nhiều lợi thế phát triển cả về thiên thời, địa lợi, nhân hòa và đặc biệt là đóng giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy, cần phải sớm đưa Bình Phước trở thành một động lực phát triển trong khu vực. Thủ tướng chỉ ra 3 định hướng lớn và một trong những định hướng quan trọng hàng đầu là phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình. Đây thực sự là định hướng quan trọng muốn nhắc nhớ và khơi dậy trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân Bình Phước về tinh thần tự chủ, khát vọng vươn lên. Bởi chỉ thật sự đi lên bằng chính sức lực và trí tuệ của mình mới là sự phát triển nhanh và bền vững.
Là tỉnh được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển, Thủ tướng đề nghị Bình Phước phải có giải pháp, kế hoạch thu hút, tận dụng các nguồn lực cho phát triển. Nguồn lực đó không ở đâu xa mà từ chính nội lực của chúng ta, đó là nhân lực, vật lực, tài lực. Giải pháp là làm sao khơi dậy và phát huy được những giá trị sẵn có và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trọng tâm là đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp... Giao thông phải luôn đi trước, mở đường cho sự phát triển và phải đảm bảo hiện đại, bền vững, hiệu quả và phát triển xanh. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến cách làm, trong đó phải tập trung hoàn thành dứt điểm, không dàn trải và tập trung chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng càng khẳng định, yếu tố tự lực, tự cường vẫn luôn đúng và cấp thiết trong mọi thời đại. Chính yếu tố này đã làm nên cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất” của 77 năm về trước. Ở huyện biên giới Lộc Ninh, 50 năm trước, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích, nhân dân các dân tộc ở huyện Lộc Ninh cũng với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết quốc tế, đã đấu tranh anh dũng, trở thành huyện đầu tiên ở miền Nam hoàn toàn giải phóng vào ngày 7-4-1972.
Cũng trên tinh thần ấy, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”. Trước tự lực, tự cường là để giành độc lập, tự do; nay tự lực, tự cường là để xây dựng đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Không có tinh thần đó thì đất nước không thể độc lập, càng không thể phồn vinh, hùng cường.
Tự lực là làm việc gì cũng phải bằng sức mình, khả năng của mình, không trông cậy vào ai. Còn tự cường là tự làm cho mình ngày càng mạnh lên, không chịu thua kém người. Và khi đã “tự lực”, “tự cường” ắt sẽ được “tự chủ”, “tự do” và “tự quyết”. Chính các yếu tố này đã làm nên bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế; chúng ta luôn tranh thủ được sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế cả trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và những năm đổi mới. Bài học về tinh thần tự chủ, tự cường, tự tôn dân tộc luôn vẹn nguyên giá trị. Đảng bộ, chính quyền, dân và quân trong tỉnh sẽ phát huy bài học đó trong khát vọng phát triển nhanh, mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị thế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.