TRỤ VỮNG NHỜ SỐ HÓA DOANH NGHIỆP
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, làm việc một thời gian tại TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Thế Tùng quyết định không đi du học mà về quê nhà ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành khởi nghiệp. “Từ xưởng tôn nhỏ của gia đình, tôi thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển từ cơ sở sản xuất nhỏ sang mô hình DN. Thành lập Công ty TNHH Tôn An Thái là bước ngoặt để sản phẩm vươn ra thị trường lớn hơn. Tôi bắt đầu đào tạo, thu hút đội ngũ nhân sự trẻ, kỹ sư giỏi về công nghệ. Sau đó thay thế dần hệ thống máy móc cũ, năng suất thấp bằng những máy móc tiên tiến hiện đại để có thể cắt, cán và thương mại tôn, thép phục vụ ngành xây dựng công nghiệp, dân dụng và hạ tầng giao thông” - anh Thái chia sẻ về quá trình bắt đầu công việc mới của mình.
Công ty TNHH Tôn An Thái bỏ tiền tỷ nhập máy móc công nghệ mới để có thể cắt, cán và thương mại tôn thép, giúp doanh nghiệp vững vàng trên thương trường
Được học hành bài bản cùng với sự năng động của tuổi trẻ, sau 7 năm điều hành, anh Tùng đã đưa doanh số của công ty tăng gấp 5 lần, trở thành một trong những công ty sản xuất tôn lớn nhất, nhì của tỉnh. Đặc biệt, anh dám bỏ tiền tỷ để nhập máy móc công nghệ mới, điều mà không có nhiều DN ở lĩnh vực này dám mạnh dạn đầu tư. Đây là bước chuẩn bị để DN hướng đến mục tiêu lớn hơn. “Với tầm nhìn trở thành DN thép đứng đầu Bình Phước, chúng tôi đặt mục tiêu số 1 thị phần vào năm 2025, sau đó sẽ mở chuỗi nhượng quyền và phấn đấu trở thành DN thép tầm cỡ quốc gia” - anh Tùng chia sẻ.
|
Năm qua, dịch Covid-19 khiến nhiều DN ngưng hoạt động vì thị trường đóng băng, thế nhưng DN của tôi vẫn hoạt động và đạt doanh số ấn tượng, đó là nhờ các phần mềm quản lý công việc, quản lý dự án online giúp xử lý công việc nhanh chóng.
Anh Nguyễn Thế Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Tôn An Thái
|
Xác định trong thời điểm công nghệ phát triển bùng nổ, nếu DN không có chuyển đổi số thì sẽ không thể tồn tại, DN của anh Tùng cũng đang có sự chuẩn bị chu đáo. Nếu trước đây, việc quản trị DN được hỗ trợ bởi một số ứng dụng đơn lẻ như các phần mềm kế toán, bán lẻ, quản lý kho... thì hiện nay một giải pháp có thể quản trị tổng thể và đồng nhất cho mọi hoạt động. Anh Tùng cho biết: “Năm 2022, chúng tôi bắt đầu triển khai hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) là giải pháp đáp ứng được yêu cầu quản trị toàn diện, có thể linh hoạt và mở rộng đáp ứng những thay đổi liên tục của quy mô cũng như cơ cấu DN”.
Trong nỗ lực phát triển kinh tế số thì chuyển đổi số DN đang là vấn đề bức thiết được nhiều DN trong tỉnh quan tâm. Vì chỉ khi DN chủ động đổi mới công nghệ, hiện đại hóa quy trình sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh để chủ động tiếp cận thị trường thì DN mới có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày càng gay gắt.
Sản xuất lĩnh vực than gáo dừa, 100% đơn hàng của Công ty xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước, có địa chỉ tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú đều xuất qua thị trường châu Âu và các nước Trung Đông. Hiện nay, các đối tác nước ngoài cũng ưu tiên lựa chọn DN cung ứng sản phẩm có nhà máy chuyển đổi số. Vì vậy, công ty cũng “chạy đua” nhập máy móc, công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp.
“Trong xu thế tất yếu của toàn cầu, nếu chậm trễ số hóa DN thì sẽ bị tụt hậu, đồng nghĩa với việc tự hạn chế thị trường và giảm khả năng cạnh tranh của chính mình. Chuyển đổi số “cá nhanh sẽ thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên “đường đua” vì không chỉ chuyển đổi về công nghệ mà còn là về tư duy, cách thức vận hành DN” - bà Nguyễn Thị Cẩm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước nhấn mạnh.
VƯƠN RA THẾ GIỚI BẰNG SỐ HÓA
Với quy mô sản xuất 400.000m3 gỗ/năm nhưng Công ty cổ phần FSC Việt Nam, Khu công nghiệp Nam Đồng Phú, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú chỉ sử dụng khoảng 200 lao động trình độ cao vận hành hệ thống máy móc hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường các nước châu Âu. Ông Lê Hoàng Hiệp, Phó giám đốc Công ty cổ phần FSC Việt Nam chia sẻ: “Muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh, chúng tôi phải nâng cao hiệu suất làm việc, ra các quyết định nhanh và chính xác để thích ứng với sự thay đổi liên tục như hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, chuyển đổi số là giải pháp đúng đắn nhất, giúp chúng tôi tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy tổ chức, các thông tin dữ liệu phục vụ quá trình sản xuất - kinh doanh được nhanh chóng và minh bạch”.
Hiện nay, kinh tế số đóng góp cho GRDP mới chỉ chiếm khoảng 3,5%. Mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực này phải đạt 20% GRDP. Vì vậy, phải tận dụng được các lợi thế công nghệ mang lại để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, gia tăng tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Tỉnh đang hướng tới một nền kinh tế mạnh, phát triển nhanh, nền hành chính công đáp ứng nhu cầu của người dân, DN. Vì vậy, DN cần tập trung phát triển các mô hình kinh tế số, ưu tiên đẩy mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo, thích ứng với xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường
|
Gia nhập thị trường trước yêu cầu của nền kinh tế số thì nâng cao chỉ số thương mại điện tử chính là giải pháp cho các DN sản xuất điều trong tỉnh. Với 70% đơn hàng xuất khẩu sang nước ngoài, Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài đã chọn thương mại điện tử là kênh bán hàng số 1 để tiếp cận được các thị trường khó tính nhất.
Anh Trần Văn Sơn, Giám đốc công ty chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn trong mua sắm trực tuyến nên quyết định thúc đẩy phát triển hoạt động bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, tập trung xây dựng website như một gian hàng thực, bỏ qua các khâu trung gian. Để bán hàng trên trang thương mại điện tử thành công thì chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu, tiếp đó là đội ngũ nhân lực vận hành, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Thị trường thương mại điện tử có tính cạnh tranh cao, tuy nhiên đây cũng là sân chơi lớn nếu DN biết tận dụng lợi thế”.