Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030

Chủ nhật - 31/12/2023 15:49
(CTTĐTBP) - Ngày 30/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án là nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, Đề án cũng đặt ra mục tiêu phát triển cụ thể:

Về giết mổ gia súc, gia cầm, phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa. Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030.

Về chế biến thịt, trứng và sữa, phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ, quản lý ngang tầm khu vực và thế giới. Bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 25% đến 30% năm 2025 và từ 40% đến 50% vào năm 2030. Tốc độ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi chế biến bình quân đạt khoảng 2 - 3%/năm hiện nay lên 3,5 - 4,5%/năm giai đoạn 2023 - 2025 và 4,5 - 5,5%/năm giai đoạn 2026 - 2030.

Về trình độ công nghệ, hiện nay, cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ khoảng từ 15% tăng lên 25 - 30% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở công nghệ trung bình tiên tiến từ khoảng 53% giảm còn 45 - 50% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu từ khoảng 32% giảm còn 20 - 25% vào năm 2025 và 05 - 10% vào năm 2030. Đối với cơ sở chế biến trứng quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến khoảng từ 60% tăng lên 70 - 75% vào năm 2025 và 80 - 85% vào năm 2030. Sản lượng trứng chế biến tăng tương ứng gấp 02 lần vào năm 2025 và gấp 03 lần vào năm 2030. Các cơ sở chế biến sữa quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến hiện nay đạt từ 85 - 90% đến năm 2025 và các năm tiếp theo đạt từ 95 - 100%.

Về phát triển thị trường, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030.

Tại Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Đề án nhằm nâng cao chất lượng giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến. Tập trung rà soát phân loại tổng thể các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và nhỏ lẻ, tăng cường các hoạt động quản lý nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh và an toàn chất lượng sản phẩm theo quy định. Hỗ trợ phát triển và kết nối bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp, công nghệ tiên tiến gắn với chế biến, thương mại sản phẩm. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến và liên kết chuỗi. Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng hệ thống quản lý thống kê về giết mổ và chế biến từ trung ương tới địa phương; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sản phẩm chăn nuôi an toàn, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến. Kết nối chặt chẽ hệ thống cơ sở hạ tầng chế biến giữa người sản xuất, thu gom, chế biến với nhà phân phối sản phẩm chăn nuôi. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết dọc và tăng cường kiểm soát chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi chế biến.

Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại các địa phương theo hướng bền vững; xây dựng hệ thống từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và đến tay người tiêu dùng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm chăn nuôi truyền thống, đặc sản, sản phẩm có thương hiệu, uy tín, bảo đảm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tiện dụng, giá cả cạnh tranh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, xây dựng thương hiệu và lên kế hoạch thực hiện phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi trọng điểm, quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực; tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN... và các thị trường tiềm năng khác. Chủ động thực hiện các chương trình truyền thông nhằm quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đến các kênh phân phối của thị trường quốc tế. Kịp thời nắm bắt những rào cản thương mại do chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu bằng cách sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế cho các nhà quản lý và doanh nghiệp xuất khẩu./.

Tác giả: Thanh Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,446
  • Hôm nay177,019
  • Tháng hiện tại17,999,355
  • Tổng lượt truy cập477,892,042
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây