Chiến lược phát triển trồng trọt hướng đến Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới

Chủ nhật - 31/12/2023 08:54

(CTTĐTBP) - Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 


Chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực quốc gia và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
 

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8 - 10%/năm. Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương...) 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 01%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD. Giá trị sản phẩm bình quân trên 01 ha đất trồng đạt 150 - 160 triệu đồng.
 

Phấn đấu đến năm 2050, trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.

Nhằm đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra 07 định hướng phát triển chung, 10 giải pháp chính. Trong đó, về định hướng phát triển chung cần: phát triển trồng trọt theo hướng tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường. Hướng sản xuất trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là chuỗi trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đầu ra của tiểu ngành này thành đầu vào chất lượng của tiểu ngành khác nhằm khai thác và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế chất thải, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội, chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng của thị trường. Bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển giống cây trồng bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế cao, gắn với vùng sinh thái và chỉ dẫn địa lý. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu sản xuất giống theo hướng công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh liên kết công tư trong nghiên cứu, sản xuất cung ứng hạt giống, cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh.

Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh giống cây trồng, tiếp tục quản lý chặt chẽ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phát triển các chương trình IPM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong dự tính dự báo sinh vật gây hại cây trồng; kiểm soát tổn thất sau thu hoạch do sinh vật hại kho gây nên; bảo vệ sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái.

Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, nhất là đất, nước theo nguyên tắc thị trường; kiểm soát mức độ suy thoái đất, duy trì bảo vệ độ phì đất, tối ưu hoá các mục đích sử dụng đất nông nghiệp; bảo đảm an ninh và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; tăng cường tạo nguồn, tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ nông nghiệp.

Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất trên cơ sở hợp đồng tạo điều kiện thuận lợi để cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia; phát triển các chuỗi ngành hàng chủ lực.

Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị trước hết đối với sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hình thành, phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh tại một số vùng sản xuất tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản. Phát triển và áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất nông sản cả về số lượng, chất lượng và gia tăng giá trị, nhất là công nghệ bảo quản lạnh.

Phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo ổn định và nâng cao giá trị cho các sản phâm trồng trọt. Xây dựng và phát triển thương hiệu một số nông sản chủ lực có lợi thế và khác biệt. Đẩy mạnh mở cửa thị trường mới cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đồng thời tích cực đàm phán để các nước nhập khẩu dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật tạo thuận lợi phát triển thị trường nông sản của Việt Nam.

Về giải pháp chính cần triển khai truyền thông nâng cao nhận thức; đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh​​​​​; phát triển thị trường nông sản; khoa học công nghệ và khuyến nông; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước​​​​​​​; xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế chính sách​​​​​​​; hợp tác quốc tế​​​​​​​; đánh giá, thanh tra, kiểm tra./.

Tác giả: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,344
  • Hôm nay173,174
  • Tháng hiện tại9,997,436
  • Tổng lượt truy cập455,392,558
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây