Hoàn thiện, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Luật Đấu thầu, trình Chính phủ ban hành trong tháng 7/2024. Ban hành mẫu hồ sơ tài liệu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, hoàn thành trong quý III/2024. Ban hành mẫu tài liệu đấu thầu đối với mua sắm trực tuyến; chào giá trực tuyến; lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ kỹ thuật để cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; mẫu hồ sơ mời thầu gói thầu EPC đối với đấu thầu trong nước (qua mạng) và đấu thầu quốc tế (không qua mạng); hoàn thành trong quý IV/2024.
Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong quý IV/2024. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng vốn nhà nước để bảo đảm phù hợp với Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, hoàn thành trong tháng 7/2024. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm phù hợp với Luật Đấu thầu, trình Chính phủ trong năm 2025.
Bộ Y tế rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đã ban hành theo thẩm quyền để bảo đảm thống nhất về nội dung trong các văn bản này, hoàn thành trong quý IV/2024. Hướng dẫn về phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng để thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm d khoản 2 Điều 135 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, hoàn thành trong quý III/2025.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh rà soát các văn bản quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc phạm vi quản lý (nếu có) để kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 23/2024/NĐ-CP và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (sau khi được ban hành), hoàn thành trong tháng 12/2024. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư phù hợp với điều kiện đặc thù phát triển của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong trường hợp cần thiết, hoàn thành trong tháng 12/2024.
Rà soát, ban hành danh mục hàng hóa, thuốc áp dụng mua sắm tập trung cấp địa phương theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu; ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 83 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, hoàn thành trong quý IV/2024. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khẩn trương ban hành văn bản quy định về thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 91 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, hoàn thành trong quý III/2024.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu thầu
Tại Chị thị này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý đấu thầu, dữ liệu giải đáp các tình huống trong đấu thầu bảo đảm minh bạch, thống nhất, đúng thẩm quyền. Tiếp tục hoàn thiện tính năng, tiện ích trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bảo đảm hoạt động thông suốt, an toàn, an ninh mạng.
Bộ Y tế rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, tận dụng các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thuận lợi trong hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Chủ động, kịp thời mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và các trường hợp cần mua sắm tập trung khác theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu (thuốc kháng HIV/AIDS, thuốc điều trị lao...), bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Chủ động, kịp thời tổ chức đàm phán giá đối với thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo danh mục đàm phán giá.
Thông báo thường xuyên kế hoạch, tiến độ mua sắm tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá và kịp thời thông báo các trường hợp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia, danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá mà địa phương, cơ sở y tế được tổ chức lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều trị theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc công khai, kê khai, kê khai lại giá thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế phù hợp với mặt bằng giá thị trường nhằm ngăn ngừa nâng giá bất hợp lý. Nghiên cứu xây dựng, ban hành Sổ tay hướng dẫn quy trình đấu thầu nội bộ mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bảo đảm xác định rõ trình tự, thủ tục, thời gian và trách nhiệm thực hiện để áp dụng chung cho các bệnh viện thuộc quản lý của Bộ Y tế và để các bệnh viện khác tham khảo, áp dụng. Có biện pháp, cơ chế xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong đấu thầu tại các cơ sở y tế; không để chậm trễ kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công khai giá từng loại thuốc trúng thầu được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế của từng bệnh viện, địa phương và Bộ Y tế trên Trang thông tin điện tử của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định số 23/2024/NĐ-CP và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; đăng tải đầy đủ thông tin đúng trách nhiệm và thời hạn theo quy định của pháp luật về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tối ưu hóa việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng, mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin tới các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo công tác đấu thầu thuốc tại địa phương, bảo đảm các cơ sở y tế đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; chỉ đạo đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương thông báo thường xuyên cho các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý tại địa phương về tiến độ mua sắm tập trung cấp địa phương và thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế về các trường hợp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương mà cơ sở y tế được tổ chức lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều trị theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
Người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền (đối với trường hợp được phân cấp), trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.
Người có thẩm quyền chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu, bên mời quan tâm, cơ quan, đơn vị thẩm định thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đấu thầu; trong đó lưu ý đẩy nhanh tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (chú trọng thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư), dự thảo hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị, xử lý vi phạm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan quản lý về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương, đơn vị quản lý về đấu thầu tại doanh nghiệp nhà nước thường xuyên theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về đấu thầu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục sơ hở, bất cập.
Cơ quan quản lý về đấu thầu chú trọng thực hiện giám sát thường xuyên đối với hoạt động đấu thầu khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên về công tác đấu thầu theo quy định. Các cuộc thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, nhằm phát hiện các hạn chế, thiếu sót, vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp; gói thầu quy mô lớn, phức tạp; các gói thầu đấu thầu không qua mạng; các gói thầu áp dụng chỉ định thầu hoặc các gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư trong thời gian dài nhưng có hiệu quả kinh tế thấp. Cơ quan thanh tra phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tâm, khách quan, không để việc thanh tra làm ảnh hưởng, gián đoạn, đình trệ hoạt động đấu thầu, mua sắm tại các cơ sở y tế.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện việc đăng tải thông tin xử lý vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng trách nhiệm, gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi.
Người có thẩm quyền, chủ đầu tư giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho các bộ, ngành, cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình (như xử lý tình huống, kiến nghị trong đấu thầu); xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu, bảo đảm chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi phụ trách.
Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật Đấu thầu, Nghị định số 23/2024/NĐ-CP, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các thông tư có liên quan.
Bộ Y tế có giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác đấu thầu của ngành và của các bệnh viện do Bộ quản lý.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước tổ chức tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác đấu thầu trong việc thực hiện các quy định mới của Luật Đấu thầu, Nghị định số 23/2024/NĐ-CP, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các thông tư có liên quan; chủ động bố trí nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các khóa đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu để nâng cao nghiệp vụ về đấu thầu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.