Chuyển đổi số để tăng năng suất và bứt phá

Thứ tư - 30/03/2022 08:11
(CTTĐTBP) - Chuyển đổi số đã và đang giúp nhiều tỉnh miền núi phía bắc tăng năng suất lao động và thu nhập cho người dân; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm địa phương; thay đổi mô hình khởi nghiệp kinh doanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu hóa… Nhiều địa phương đã tận dụng chuyển đổi số như một công cụ, đòn bẩy để vươn lên trở thành địa phương có kinh tế-xã hội phát triển.
 
1
Sản phẩm cam sành của tỉnh Hà Giang được dán mã QR và đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. (Ảnh NGUYỄN PHƯƠNG)

Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, huyện Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên được mở rộng phạm vi quảng bá, tiêu thụ ra toàn quốc. Sản phẩm từng bước chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc... Hiện nay, 14 sản phẩm thuộc ba dòng trà, gồm: tôm nõn (đạt OCOP 5 sao), móc câu (OCOP 4 sao), trà đinh đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn ở nước ta, như: Postmart.vn (của Bưu điện Việt Nam), Voso.vn (Bưu chính Viettel), cũng như được quảng bá trên mạng xã hội Zalo, Facebook...

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, cho biết: Từ khi đưa mặt hàng chè lên sàn giao dịch thương mại, doanh thu của chúng tôi cao hơn so với trước. Mặc dù dịch Covid-19 khiến nhiều tỉnh, thành phố giãn cách xã hội, việc cung ứng sản phẩm gặp khó khăn nhưng nhờ đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, năm 2021, cơ sở sản xuất của chúng tôi đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng; thu nhập của những người nông dân liên kết với hợp tác xã đã tăng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng lên 6 đến 8 triệu đồng/tháng.

Có thể nói, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên Dương Sơn Hà chia sẻ, triển khai chương trình chuyển đổi số, các ngành, đơn vị liên quan đã có sự phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Các chủ thể OCOP tại địa phương được khuyến khích đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của Sở… Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã đã quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số; 129 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng, như: C-Thái Nguyên, Postmart, Voso, Sendo, Lazada, Shopee…

Tại Hà Giang, mặc dù Nậm Ty là xã miền núi thuộc huyện Hoàng Su Phì chỉ có 621 hộ sinh sống ở 8 thôn, trong đó có những thôn cách xa trung tâm xã nhưng được chọn làm điểm về chuyển đổi số. Do không được cấp ngân sách để triển khai, xã đã kết hợp và dựa vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp viễn thông để triển khai hạ tầng làm cơ sở, làm đòn bẩy để chuyển đổi số… Hạ tầng viễn thông hoàn thiện đã giúp cấp ủy, chính quyền xã thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý, điều hành. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Ty Hoàng Văn Tuyên chia sẻ, trước kia, khi triển khai văn bản chỉ đạo đột xuất đến các thôn bản vùng cao, cán bộ xã phải đi đến tận nơi để thông báo cho cán bộ địa phương, việc di chuyển tại địa bàn mất nhiều thời gian, công sức, nhất là vào mùa mưa.

Đến nay, tất cả các văn bản chỉ đạo, công việc đột xuất, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai… lãnh đạo xã chỉ cần nhắn qua các nhóm Zalo điều hành của cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể là cán bộ thôn nắm được và triển khai ngay đến người dân. Hiện nay, tất cả cán bộ xã đều biết sử dụng và có máy vi tính cá nhân; các văn bản điều hành trong xã được ban hành trong môi trường mạng; các chức danh cán bộ chủ chốt đều thực hiện chữ ký số.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang Lã Đình Điền cho biết: Là tỉnh vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn, Hà Giang chọn cách làm riêng trong chuyển đổi số. Đó là phối hợp các doanh nghiệp công nghệ đã có sản phẩm sẵn sàng giúp Hà Giang chuyển đổi số một cách toàn diện, nhanh gọn. Theo chủ trương này, Hà Giang đã tổ chức hội thảo và ký chương trình hợp tác với Công ty cổ phần FPT để triển khai các nội dung chuyển đổi số; thành lập 7 tổ công tác đối đẳng nhằm bảo đảm sự phối hợp thông suốt, hiệu quả trong triển khai 7 nhóm nhiệm vụ liên quan chuyển đổi số gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng số, truyền thông số, đào tạo số, thanh niên với chuyển đổi số…

So với Thái Nguyên hay Hà Giang, Yên Bái cũng có bước chuyển đổi số khá thành công. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Ngay từ khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số, địa phương xác định mình là tỉnh nghèo, muốn phát triển kinh tế-xã hội, muốn đi tắt đón đầu, thì phải lựa chọn công nghệ. Yên Bái có cách tiếp cận riêng, là đi vào những lĩnh vực chi phí ít nhưng đã có nền tảng cơ sở để tận dụng nguồn lực sẵn có và tiết kiệm chi phí. Địa phương thống nhất quan điểm 3T về chuyển đổi số: nhận thức phải thống nhất; hành động phải trọng tâm; nguồn lực phải thỏa đáng.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái Hoàng Minh Tiến chia sẻ thêm, với mỗi mô hình thí điểm chuyển đổi số tại địa phương cần trả lời được bốn câu hỏi "gì"-"4G": Mô hình chuyển đổi số này có mục tiêu là gì? Muốn đạt được mục tiêu này, cần phải làm gì? Điều kiện cần là gì? Và cuối cùng, phân công ai làm gì? Chuyển đổi số sẽ thực hiện theo cách làm "5L" gồm: Làm việc dễ đến khó, bé đến lớn; lan dần (thí điểm để nhân rộng); lấy người dân dẫn dắt cơ quan nhà nước; lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp công nghệ số; lập thói quen, kỹ năng chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu để các địa phương, ngành nghề, lĩnh vực có thể tồn tại và phát triển. Do chưa có tiền lệ, các địa phương muốn triển khai chuyển đổi số, trước tiên phải triển khai thí điểm, thành công mới tiến hành toàn diện. Chuyển đổi số là một chặng đường dài, nhưng không có nghĩa là chúng ta đi lâu và không có tổng kết những thành công đạt được, những vướng mắc cần tháo gỡ. Để đánh giá được chuyển đổi số theo từng giai đoạn, thời kỳ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Cần xem xét kết quả của chuyển đổi số làm được gì để cấp ủy đảng, chính quyền điều hành công việc hiệu quả hơn, ra chính sách tốt hơn; làm được gì để người dân giàu hơn, doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận cao hơn; làm được gì để người dân hạnh phúc hơn; làm được gì để mỗi em học sinh có thể học tốt hơn môn toán, ngoại ngữ, mỗi người dân ở tỉnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn... Khi đưa ra lời giải cho những câu hỏi này chính là chuyển đổi số thành công, mang lại kết quả cuối cùng cho các địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng nhấn mạnh thêm, các địa phương muốn chuyển đổi số nhanh chóng, đồng bộ, thành công cần chọn các nền tảng chuyển đổi số tốt, doanh nghiệp công nghệ tốt cung cấp hệ sinh thái chuyển đổi số và mua đúng giá các sản phẩm công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số tại địa phương. Mục tiêu là triển khai chuyển đổi số nhanh nhưng phải bền vững. Ngược lại, mô hình chuyển đổi số không thể thành công nếu người đứng đầu các địa phương, đơn vị không vào cuộc, người dân không sử dụng các dịch vụ số.

Hiện nay, việc tiếp cận, phát triển của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khoảng cách và mức độ khác nhau. Trong đó, rất nhiều nơi còn khó khăn, thiếu thốn. Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp các chính sách tiếp cận tới từng đồng bào ở từng khu vực một cách nhanh chóng, hiệu quả. Do đó, trong các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, cần có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số mua và sử dụng điện thoại thông minh. Chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá thương hiệu, cải thiện mẫu mã các sản phẩm đặc trưng của địa phương được bày bán trên sàn thương mại điện tử…/.

Tác giả: Theo Báo Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,223
  • Hôm nay315,010
  • Tháng hiện tại9,761,750
  • Tổng lượt truy cập493,625,188
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây