(CTTĐTBP) - Đó là một trong những giải pháp mà Bảo hiểm Xã hội tỉnh đề ra nhằm thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 tại đơn vị.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh yêu cầu người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình hành động, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan trong tỉnh phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính được nhanh chóng, chính xác. Phát triển nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ, tiện ích trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện ở mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% văn bản trao đổi giữa các sở, ngành sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số; việc gửi nhận văn bản điện tử đều thực hiện trên trục liên thông quốc gia (trừ văn bản mật). 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở. 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trong nội bộ. 100% hồ sơ công việc tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Bảo hiểm Xã hội cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật nhà nước)...