Bước tiến lớn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Thứ năm - 23/12/2021 09:54
Tự động phát:
(CTTĐTBP) - Thuốc Paxlovid giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong, đồng thời có thể dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Việc FDA cấp phép sử dụng thuốc Paxlovid được coi là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu.

 

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng thuốc Paxlovid dùng điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer.
 

Theo TTXVN, ngày 22/12, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng thuốc viên dùng trong điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer dưới tên gọi là Paxlovid, cho những người có nguy cơ cao từ 12 tuổi trở lên.

FDA nhấn mạnh đây là một cột mốc quan trọng trong thời kỳ đại dịch sẽ cho phép hàng triệu người tiếp cận điều trị.

Nhà khoa học Patrizia Cavazzoni của FDA cho rằng: “Việc cấp phép hôm nay mang đến một liệu pháp điều trị COVID-19 đầu tiên ở dạng viên uống - một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này”.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla nhận định thuốc Paxlovid giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong, đồng thời có thể dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà.

Liệu pháp điều trị sử dụng loại thuốc này sẽ giúp thay đổi phương pháp chống dịch, đồng thời hy vọng có thể làm giảm đáng kể áp lực đối với hệ thống y tế và bệnh viện. 

Trong thử nghiệm lâm sàng đối với 2.200 người, thuốc Paxlovid đã cho thấy hiệu quả an toàn và giảm nguy cơ nhập viện cũng như tử vong ở những người có nguy cơ cao lên đến 88%, nếu bệnh nhân được sử dụng thuốc trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng. 

Trước đó, ngày 16/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã khuyến nghị sử dụng khẩn cấp thuốc Paxlovid.

Theo EMA, thuốc Paxlovid, vốn chưa được cấp phép sử dụng ở Liên minh châu Âu (EU), có thể được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành, những người chưa cần hỗ trợ thở oxy và những người có nguy cơ bệnh trở nặng.

EMA nhấn mạnh loại thuốc này nên được sử dụng càng sớm càng tốt cho người được chẩn đoán mắc COVID-19 và trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng bệnh.

Thuốc Paxlovid là loại thuốc kháng virus sử dụng đường uống, có thể giảm khả năng virus SARS-CoV-2 nhân lên trong cơ thể.

Thuốc của Pfizer có khả năng chống lại Omicron

Trước đó, ngày 14/12, hãng dược Pfizer đã thông báo các cuộc thử nghiệm cuối cùng cho thấy thuốc kháng virus dạng viên uống do hãng này phát triển có khả năng giảm gần 90% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Dữ liệu được thu thập trong phòng thí nghiệm gần đây cũng cho thấy loại thuốc này vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Tháng trước, Pfizer cho biết thuốc kháng virus mang tên PF- 07321332 của hãng có thể giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đến 89% so với nhóm người dùng giả dược. Kết luận này được đưa ra sau khi phân tích dữ liệu từ khoảng 1.200 bệnh nhân chưa tiêm vaccine.

Trong khi đó, dữ liệu phân tích mới nhất được tiến hành với thêm khoảng 1.000 bệnh nhân. Kết quả cho thấy không có bệnh nhân nào tử vong khi được điều trị bằng thuốc PF- 07321332 trong khi con số này ở nhóm dùng giả dược là 12 ca. Nếu được cấp phép, loại thuốc này sẽ được bán dưới tên gọi Paxlovid.

Cùng ngày, Pfizer cũng công bố dữ liệu ban đầu từ một thử nghiệm lâm sàng thứ hai cho thấy thuốc PF- 07321332 giúp giảm tỷ lệ nhập viện khoảng 70% ở khoảng 600 người trưởng thành có nguy cơ trung bình.

Giám đốc phụ trách khoa học của Pfizer Mikael Dolsten đánh giá "đây là một kết quả tuyệt vời" khi phương pháp trên giúp giảm đáng kể số ca tử vong và nhập viện. Nếu loại thuốc này sớm được cung cấp cho bệnh nhân mới nhiễm bệnh, nguy cơ lây nhiễm cũng sẽ giảm mạnh.

Ông Dolsten cũng bày tỏ hy vọng Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cùng các cơ quan quản lý khác sẽ sớm cấp phép sử dụng loại thuốc này cho người có nguy cơ cao. 

Khác với thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược Merck & Co, PF-07321332 thuộc nhóm thuốc ức chế protease (một loại enzyme), vốn đang được sử dụng để điều trị bệnh nhân nhiễm virus HIV, viêm gan C và các virus khác.

Ông Dolsten cho biết các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm gần đây cho thấy hoạt động chống lại protease của biến thể Omicron "về cơ bản là tốt" như các biến thể khác của virus SARS-COV-2". 

Trên lý thuyết, các loại thuốc điều trị và ngăn ngừa nhiễm virus ở người và động vật tuy khác nhau về phương thức nhưng đều chung một mục đích là để tăng cường hệ thống miễn dịch, chống nhiễm khuẩn, đồng thời giảm thiểu lượng virus hoạt động.

Cụ thể, thuốc PF-07321332 sẽ ngăn chặn các enzyme chủ chốt cần thiết mà SARS-CoV-2 cần để nhân bản. Tuy nhiên, các loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 hiện mới có hiệu quả trong điều trị cho những bệnh nhân mới nhiễm bệnh.

Theo giới chuyên môn, khi bệnh đã chuyển nặng, phần lớn virus ngừng nhân bản, khiến việc dùng thuốc kháng virus có thể kích thích hệ miễn dịch phản ứng quá mức, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Ở thời điểm này, bệnh nhân sẽ cần các loại thuốc khác như Corticosteroid, Kevzara hay Actemra - những dược phẩm đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt cho điều trị COVID-19.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi và báo cáo lên WHO vào ngày 24/11. Các dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể này có khả năng kháng các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có và thậm chí có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ và đang là biến thể lây nhiễm chủ đạo trên toàn thế giới. Hiện giới khoa học đang nỗ lực tìm hiểu thêm về biến thể Omicron để có những khuyến cáo chính xác về nguy cơ lây nhiễm cũng như độc lực của biến thể này./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,159
  • Hôm nay55,515
  • Tháng hiện tại9,831,595
  • Tổng lượt truy cập493,695,033
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây