(CTTĐTBP) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Quyết định số 867/QĐ-BGTVT ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) năm 2024.
Tính đến tháng 6/2023, trong lĩnh vực giao thông vận tải có 1.783 HTX vận tải (đường bộ có 1.568 HTX, hàng hải có 03 HTX, đường thủy nội địa có 212 HTX). Doanh thu bình quân của HTX vận tải hàng hóa đạt khoảng 400 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân tháng của người lao động khoảng từ 3 triệu đến 6 triệu đồng.
Hiện nay, tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có HTX kinh doanh vận tải đường bộ. Nhiều tỉnh, thành phố có số lượng HTX vận tải lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh; cũng có tỉnh số lượng HTX rất ít (từ 1 đến 2 HTX như ở Bắc Kạn). Thành viên các HTX tại các tỉnh, thành phố thời gian qua đã chủ động đầu tư phương tiện, đổi mới chất lượng dịch vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các HTX đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh các HTX kinh doanh vận tải đường bộ với số lượng phương tiện lớn, quy mô tổ chức bài bản, khoa học, công tác điều hành tập trung, xây dựng và duy trì thương hiệu vận tải thì vẫn còn tồn tại nhiều HTX hoạt động trên danh nghĩa nhưng thực chất chỉ là cá nhân đứng lên thành lập các dịch vụ làm thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện, có nhu cầu kinh doanh vận tải mà không quản lý được phương tiện, nhân lực...
Theo đó, năm 2024, Bộ GTVT phấn đấu đưa hoạt động kinh doanh vận tải trở lại hoạt động bình thường mới; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả của HTX, liên kết chặt chẽ và khai thác lợi thế đối với HTX ngành GTVT nhằm phát huy vai trò của HTX trong cơ chế thị trường vận tải. Phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX nhanh và bền vững, góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ GTVT đã cụ thể hóa với 11 giải pháp phát triển kinh tế tập thể trọng tâm.
Đó là, tiếp tục tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các HTX thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022.
Tiếp tục chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động sản xuất kinh doanh được ổn định và phát triển. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật về kinh tế tập thể trong lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải để nâng cao hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế xanh, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ cho sự phát triển hợp tác xã GTVT.
Thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ, người lao động và thành viên của các HTX GTVT về các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX và các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải và các quy định về bảo đảm an toàn giao thông. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức đối với việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải và bảo đảm an toàn giao thông của các HTX vận tải.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để kinh tế tập thể phát triển đúng định hướng. Tổ chức tiếp xúc các doanh nghiệp vận tải và HTX GTVT để đánh giá hoạt động của các HTX vận tải, nhân rộng các HTX vận tải điển hình tiên tiến tạo hiệu ứng lan tỏa; tạo điều kiện cho các HTX GTVT tiếp cận với thị trường vận tải quốc tế, tham gia hoạt động vận tải qua biên giới theo Hiệp định về vận tải giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để các HTX nhanh chóng hội nhập.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động vận tải của HTX, xây dựng đội ngũ HTX có công tác quản lý hiện đại, theo kịp yêu cầu quản lý của thị trường vận tải. Tuyên truyền, khuyến khích HTX GTVT 11 sử dụng sàn giao dịch vận tải điện tử để nắm bắt, tiếp cận nguồn hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải. Nghiên cứu thực tiễn hoạt động của các HTX GTVT và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải để đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, hạ tầng, phương tiện… Đồng thời khuyến khích thành lập các liên hiệp HTX và liên đoàn HTX kinh doanh vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội...