'Báo chí không phải để một số ít người xem mà để phục vụ nhân dân'

Thứ ba - 21/06/2022 07:40
(CTTĐTBP) - Đó là lời dạy giản dị, chí tình mà vô cùng sâu sắc dành cho các nhà báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam.
 
bac ho vi dai 16532872538262020464593
Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bản tin tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với hoạt động báo chí Việt Nam.

Ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911, sau 7 năm bôn ba châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, quan sát tình hình chính trị, xã hội của các quốc gia ở đây, Người ở lại Pháp, tham gia phong trào công nhân, phong trào xã hội chủ nghĩa và bắt đầu học viết báo.

Đầu năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, gửi đến Hội nghị Versailles "Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam", gồm 8 điểm, yêu cầu chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Bản yêu sách đó với bút danh Nguyễn Ái Quốc, được đăng trên báo "Nhân Đạo", cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp.

Cuối năm 1919, Bác còn viết nhiều bài, ký tên Nguyễn Ái Quốc, tố cáo tội ác của thực dân Pháp như các bài: "Vấn đề bản xứ", "Đông Dương và Triều Tiên"… đăng trên báo "Nhân Đạo" và báo "Dân chúng Paris".

Năm 1922, Người sáng lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ); làm chủ bút, chủ nhiệm, chữa bài, thủ quỹ và phát hành… Những bài viết của Người đăng trên tờ Le Paria như bài "Thù ghét chủng tộc", "Những kẻ đi khai hóa"… đều tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa.

Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến đất nước Xô Viết nhưng nhiều bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục gửi đăng trên các báo ở Pháp. Cuối năm 1923, Người vào học Trường Đại học Phương Đông tại Moscow, nơi bồi dưỡng chủ nghĩa Marx-Lenin cho những chiến sĩ cách mạng của các nước thuộc địa. Bác viết bài "Lenin và các dân tộc thuộc địa", đăng trên báo "Sự thật", cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Cuối năm 1924, Bác Hồ liên lạc với phong trào cách mạng trong nước, mở trường huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ, thành lập "Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội" và sáng lập báo "Thanh Niên". Số đầu ra mắt bạn đọc vào ngày 21/6/1925.

Để ghi nhớ công ơn của Người trong lĩnh vực báo chí, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21/6 hằng năm là 'Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam".

Bác Hồ còn sáng lập ra nhiều tờ báo khác: Báo "Kông nông" dành cho công nhân và nông dân, ra đời tháng 12/1926. Báo "Lính Kách mệnh", tiền thân của báo "Quân đội Nhân dân", xuất bản tháng 12/1927. Ngày 11/3/1951, báo "Nhân dân" ra đời từ ý tưởng của Người. Tính đến ngày 1/6/1969, trước lúc đi xa, Bác Hồ đã viết cho báo Nhân dân 1.205 bài với 23 bút danh khác nhau.

Có thể nói ở bất cứ hoàn cảnh và cương vị nào, viết báo trở thành nhu cầu hoạt động cách mạng của Người. Phương tiện làm việc của Bác là cái máy chữ xách tay luôn ở bên cạnh; hễ có thời giờ rảnh là viết bài cho các báo bằng ngôn ngữ quần chúng dễ đọc, dễ hiểu.

Suốt cuộc đời vì dân, vì nước, Bác Hồ đã viết hàng nghìn bài báo, gồm đủ các thể loại tin tức, bình luận, nghiên cứu, điều tra, bút kí, thơ văn cổ động, gương người tốt việc tốt…, tất cả đều toát lên tính chiến đấu mạnh mẽ, sâu sắc…

Không chỉ có vậy, Bác Hồ còn luôn nhắc nhở các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam rằng: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng".

Học và làm theo Bác, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2025) đã thông qua Nghị quyết, khẳng định quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, đội ngũ người làm báo phải tiếp tục phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nêu cao đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Báo chí tiếp tục phát huy tính tư tưởng, tính chân thực, tính chiến đấu, tính quần chúng. Tính chiến đấu vì lý tưởng, mục tiêu cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Tính chiến đấu của báo chí là phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội; đấu tranh với âm mưu chống lại sự nghiệp cách mạng, chống lại công cuộc đổi mới của đất nước… Tính quần chúng là bài báo cần giản dị, dễ hiểu với các tầng lớp nhân dân.

Trong giai đoạn mới, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục phát huy điểm mạnh, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, nâng cao tính chiến đấu để luôn là công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng, diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Làm tốt nhiệm vụ cao cả đó chính là các nhà báo đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ về trách nhiệm và đạo đức của báo chí: "Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem mà là để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính quần chúng và tính chiến đấu".

Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, người làm báo, các cơ quan báo chí càng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ để đáp ứng được yêu cầu của dân tộc và thời đại./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,002
  • Hôm nay548,391
  • Tháng hiện tại21,102,804
  • Tổng lượt truy cập480,995,491
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây