Thông tin trên vừa được UBND tỉnh cho biết trong báo cáo về khảo sát tình hình việc làm tại chỗ bền vững cho lao động nông thôn gắn với Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 10 năm (2010-2019).
Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Bù Gia Mập
Theo báo cáo này, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra là đến năm 2020: Toàn tỉnh có 50% số xã đạt chuẩn NTM. Đến hết năm 2019, có 48 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến hết năm nay có thêm 12 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 60 xã (không tính xã Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài đã chuyển thành phường và xã Tân Khai, huyện Hớn Quản chuyển thành thị trấn), đạt 66,67%; 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM là huyện Chơn Thành và Đồng Phú. Toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra.
Để đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, những năm qua, tỉnh đã tổ chức được 356 lớp tập huấn đào tạo cho khoảng 13.640 lượt cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp. Riêng năm 2019, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức 3.678 buổi tuyên truyền cho 177.190 lượt người dự về các nội dung chương trình xây dựng NTM.
Về tiêu chí giao thông nông thôn, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia đóng góp của người dân, sau hơn 9 năm đầu tư và phát triển, đến nay mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 4.500km; làm được 2.261,244 km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù. Cùng với đó, hệ thống lưới điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng điện năng cho vùng nông thôn phát triển.
Bình Phước cũng đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống trường học các cấp. Hiện nay, toàn tỉnh có 34/160 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, chiếm 21,25%; 57/165 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 34,55%; 24/109 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, chiếm 22,02%.
Xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại các địa phương được duy trì. 100% các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 99,09% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức 1; 45,9% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức 2; 3,6% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2017-2018 đạt 98,9%; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 54,9% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 56%.
Về cơ sở vật chất văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ bản đã phát huy công năng, không chỉ là nơi tổ chức hội họp mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng nông thôn.
Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đang được phát triển và dần hoàn thiện, với 68 chợ được quy hoạch trên toàn tỉnh. Các hạ tầng thương mại đang được hình thành và phát triển với 8 siêu thị, 3 trung tâm thương mại, khoảng 30 nhà phân phối và 6.500 cửa hàng kinh doanh tạp hóa, tiện lợi.
Về tiêu chí thông tin và truyền thông, 98% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông. 100% xã có mạng internet đến thôn, ấp; 100% xã có đài truyền thanh; 100% xã có ứng dụng công nghệ thông tin; 100% huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có từ 75% số xã trở lên đạt tiêu chí thông tin và truyền thông.
Bù Đăng khởi công xây dựng “Nhà tình nghĩa quân - dân”. Ảnh: Đài TT-TH Bù Đăng
Trong gần 10 năm qua, tỉnh đã sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở và đã bàn giao 10.350 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở; hỗ trợ tiếp theo cho Chương trình 167 với 1.062 căn, sửa chữa và nâng cấp 593 căn nhà tình thương và xây dựng 43 công trình dân sinh.
Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, từ nguồn vốn Chương trình NTM và các nguồn vốn lồng ghép khác đã được tỉnh triển khai hiệu quả, có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ... được thành lập và từng bước hoạt động ổn định. Các mô hình liên kết sản xuất ngày càng phát triển, nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2018 đạt 57,22 triệu đồng/người, tăng 2,1 lần so với năm 2011 và tăng 1,4 lần so với năm 2015.
Với sự cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, đội ngũ làm công tác giảm nghèo các cấp, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2016 là 6,15%, đến nay chỉ còn 3,55%. Năm 2019 giảm thêm 1.000 hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đề án giảm nghèo được triển khai thực hiện hiệu quả. Nhiều mô hình nông nghiệp được nhân rộng; các chính sách hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm cho hộ nghèo, tạo điều kiện phát triển kinh tế được quan tâm thực hiện; đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả với 36.371 lượt người được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt 94,68.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển nhiều cụm, khu công nghiệp giúp giải quyết việc làm cho người dân trong và ngoài tỉnh. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp mạnh đã làm tăng việc làm cho người lao động. Ở những xã có khu, cụm công nghiệp, tỷ lệ người dân thất nghiệp hầu như không có. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng với khoảng 70.000 lao động được đào tạo, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp khoảng 48.000 lao động, đào tạo nghề phi nông nghiệp khoảng 22.000 lao động, giải quyết việc làm trên 298.660 lượt lao động. Qua công tác giải quyết việc làm hàng năm đã giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn dưới 3,2%. Tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn đạt trên 90%.
Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được các địa phương quan tâm
Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Các mô hình sản xuất theo hướng liên kết như các trang trại chăn nuôi tập trung ký kết đầu ra sản phẩm với các công ty CP, CJ, Việt Phước, Hòa Phước, Choice. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu đã được triển khai, củng cố và hoàn thiện. Việc chăn nuôi theo hình thức trang trại ngày càng phát triển, dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Nguồn nhân lực y tế, trang thiết bị tiếp tục được phát triển, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển y tế dự phòng với phát triển y tế chuyên sâu trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe không ngừng tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng các loại hình truyền thông. Tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu về phòng chống một số bệnh dịch nguy hiểm cho cộng đồng và HIV/AIDS. Hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, lao, phong, tâm thần... Kịp thời khống chế các loại dịch bệnh mới nổi; duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư... Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 8 bác sĩ; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt kế hoạch; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,2%.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa là nội dung cốt lõi, nền tảng, tiền đề quan trọng trong xây dựng văn hóa khu dân cư, được nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện. Kết quả năm 2019 có 209.972/221.203 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 94,92%; 694/866 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa, chiếm 80,13%; khoảng 451.216/902.646 số người tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chiếm 49,98%.
Công tác môi trường được đảm bảo, không để xảy ra các vụ khiếu kiện về ô nhiễm môi trường. Công tác phát động Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường được các xã quan tâm thực hiện. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo, nâng cấp giếng đào, nhà vệ sinh được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch, đảm bảo giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, điều kiện thực tế của từng xã.
Thành phố Đồng Xoài vẽ tranh trên các nắp cống hố ga tại tuyến đường Trần Hưng Đạo góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh
Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Cấp ủy, chính quyền các xã đã tích cực làm tốt công tác tổ chức và xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh. Đảng bộ các xã quyết tâm phấn đấu đạt trong sạch vững mạnh. Các tổ chức đoàn thể xã hội ra sức phấn đấu đạt danh hiệu tiên tiến trở lên. Hệ thống chính trị - xã hội các xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định. Thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng ở địa phương; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực tác chiến, sẵn sàng chiến đấu. Các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp tổ chức tuần tra, truy quét đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới và nội địa. Thực hiện tốt công tác đối ngoại với chính quyền và lực lượng vũ trang các huyện giáp ranh với Campuchia.
Có thể thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và quốc phòng - an ninh. Qua triển khai xây dựng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn tỉnh từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh trật tự; tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng; ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.