Tại hội nghị trực tuyến lãnh đạo tỉnh với nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, HTX, doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 (diễn ra ngày 19/8), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng nông dân và đề nghị các ngành chức năng phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, với quan điểm “đi sẽ đến, làm sẽ xong” và cần phải thực hiện ngay
Theo báo cáo của UBND tỉnh về khảo sát tình hình việc làm tại chỗ bền vững cho lao động nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 10 năm qua (2010-2019), Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề được 403 lớp, cấp phát chứng chỉ cho 12.557 học viên tốt nghiệp. Các nghề đào tạo chủ yếu là thú y; kỹ thuật trồng và chăm sóc, khai thác cao su; kỹ thuật trồng nấm; kỹ thuật tạo dáng và chăm sóc cây kiểng; kỹ thuật trồng điều, ghép điều; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho heo, gà, chế biến gà... Qua đào tạo đã trực tiếp giới thiệu cho hơn 5.000 học viên làm việc tại các doanh nghiệp, trang trại, nông trường cao su... trên địa bàn tỉnh với mức lương từ 4,5 - 7 triệu đồng/tháng; số học viên còn lại đã tìm được việc làm và làm việc tại gia đình sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ học viên có việc làm đạt trên 70% sau đào tạo.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 7.640 buổi tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 397.280 lượt nông dân về ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn VietGAP, sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo quản chế biến, tiêu thụ nông sản sau thu hoạch; kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng và trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi; sản xuất gắn với nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường.
Đến nay, diện tích cây trồng lâu năm trên địa bàn tỉnh được áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước là 6.088,9ha. Trong đó, diện tích tưới tiết kiệm đối với cây hồ tiêu 2.140,8ha; cà phê 1.242,2ha; ca cao 120,2ha và cây ăn quả các loại 2.585,8ha. Các mô hình sản xuất cây ăn trái VietGAP tại huyện Bù Đăng, Bù Đốp quy mô 15ha; tại xã Long Bình, huyện Phú Riềng 15ha cây bưởi; mô hình chăn nuôi gà thả vườn VietGAP tại huyện Phú Riềng với quy mô 01 hộ gồm 2.000 con; mô hình chăn nuôi heo VietGAP tại thôn Bình Điền (xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng) quy mô 5.000 con heo thịt; mô hình sản xuất dưa lưới VietGAP quy mô 15ha/3 điểm tại xã Tân An, huyện Hớn Quản; mô hình nhóm rau ăn lá 10ha cho 2 HTX tại phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và huyện Phú Riềng tham quan mô hình bưởi VietGAP tại xã Long Bình
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh và các cấp hội nông dân trong tỉnh còn phối hợp tổ chức 195 buổi tuyên truyền, hướng dẫn 9.165 lượt nông dân về hình thức, cách làm để phát triển kinh tế tập thể, kiến thức và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về HTX. Kết quả, toàn tỉnh đã xây dựng 421 mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế tập thể tại địa phương.
Với sự hình thành và phát triển HTX, trong lĩnh vực này đã thu hút, tạo việc làm cho 10.000 thành viên (riêng giai đoạn 2010-2019 tăng gần 5.000 thành viên) tham gia vào khu vực kinh tế hợp tác, HTX với hơn 4.000 lao động thường xuyên và hàng chục ngàn lao động thời vụ. Thu nhập bình quân người lao động hàng năm đều tăng nhưng không ổn định, bình quân 51 triệu đồng/năm. Cùng với đó là việc hỗ trợ chính sách tín dụng từ nhiều kênh khác nhau cho 70 HTX tiếp cận với 140.060 triệu đồng, trong đó Liên minh HTX tỉnh đã giải ngân cho 30 HTX vay từ nguồn vốn Quốc gia về giải quyết việc làm và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh 29.836 triệu đồng.
Việc phát triển các mô hình tổ hợp tác, HTX tạo việc làm cho nhiều lao động, kinh tế tập thể ngày càng thể hiện rõ vai trò trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết công ăn việc làm cho thành viên HTX và hơn 5.000 lao động thường xuyên trong HTX, liên hiệp HTX, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.