Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, “Xoài Cao Lãnh”

Thứ sáu - 17/07/2020 17:41
(CTTĐTBP) - Ngày 16/7, đoàn công tác tỉnh Đồng Tháp do Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Thành Tài làm trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước để tham khảo kinh nghiệm xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Hạt điều Bình Phước”.
tiep dong thap
Đồng chí Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đồng Tháp phát biểu tại buổi làm việc
 
Tiếp và làm việc với đoàn công tác tỉnh Đồng Tháp, có Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đỗ Minh Trung, cùng đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và một số doanh nghiệp đã được trao quyền sử dụng CDĐL “Hạt điều Bình Phước”.
 
Tại buổi làm việc, Sở KH&CN Bình Phước đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, quản lý và sử dụng CDĐL “Hạt điều Bình Phước”. CDĐL “Hạt điều Bình Phước” được xây dựng trên cơ sở triển khai các hợp phần liên quan thuộc Dự án “Hỗ trợ phát triển CDĐL ở Việt nam” do Cơ quan phát triển Pháp và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) hỗ trợ thực hiện.

Kết quả các sản phẩm hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân trắng và hạt điều rang muối đã được bảo hộ CDĐL “Bình Phước” vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo Quyết định số 673/QĐ-SHTT ngày 13/3/2018 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quy chế quản lý, sử dụng và kiểm soát CDĐL “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều, trong đó phân cấp cho Sở KH&CN có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Hạt điều Bình Phước”.

Đến nay, toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sử dụng CDĐL “Hạt điều Bình Phước”, đã có 7 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng CDĐL gồm: Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Sơn Thành (thành phố Đồng Xoài), Công ty cổ phần Hà Mỵ (huyện Đồng Phú), Công ty Mỹ Lệ TNHH (huyện Phú Riềng), Công ty TNHH MTV Sản xuất Hoàng Phú (huyện Lộc Ninh), Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Đức Tài (huyện Đồng Phú), Công ty TNHH Vihahe (thị xã Phước Long) và Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo (thành phố Đồng Xoài).

Hàng năm, Sở KH&CN thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, khảo sát tại các doanh nghiệp đã được cấy giấy chứng nhận để nắm bắt thực tế tình hình sử dụng CDĐL “Hạt điều Bình Phước”; đồng thời tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp này ứng dụng công nghệ mới để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm mang CDĐL “Hạt điều Bình Phước” đã được Sở KH&CN phối hợp với Hội điều Bình Phước và các cơ quan, đơn vị liên quan chú trọng triển khai dưới nhiều hình thức, đặc biệt đã được Sở Công thương niêm yết trên Sàn giao dịch nông sản của tỉnh.

Việc bảo hộ thành công CDĐL “Hạt điều Bình Phước” đã có nhiều tác động tích cực giúp ngành điều Bình Phước phát triển bền vững. Theo số liệu thống kê, tỉnh Bình Phước hiện có 137.368ha điều, chiếm khoảng 50% diện tích điều cả nước và được mệnh danh là “thủ phủ điều” của Việt Nam. Sản lượng niên vụ năm 2019 của tỉnh đạt gần 140.700 tấn. Sản phẩm hạt điều của tỉnh đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của tỉnh ước đạt 402,9 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Tiếp thu kinh nghiệm của Bình Phước, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đồng Tháp Nguyễn Thành Tài cho biết: Tháng 11/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài được trồng tại 9 xã, phường của thành phố Cao Lãnh và 10 xã, thị trấn của huyện Cao Lãnh. Xoài Cao Lãnh từ lâu đã là một thương hiệu quen thuộc, uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đã được dân gian lưu truyền qua câu ca dao: “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc KH&CN Trần Quốc Hoàn nhấn mạnh: Với ưu thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Đồng Tháp và Bình Phước đều có tiềm năng rất lớn để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao và  đề xuất một số hình thức hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp hữu hiệu trong công tác tạo lập, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương./.

Tác giả: Thanh Liêm

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,006
  • Hôm nay133,468
  • Tháng hiện tại9,580,208
  • Tổng lượt truy cập493,443,646
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây