Thủ tướng chỉ đạo tập trung đối phó mưa lũ lớn tại miền Trung
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1372/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung.
Để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí điện tử không dừng
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng để thay thế cho phương thức thu phí thủ công, một dừng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ bắt buộc, nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án thu phí điện tử không dừng (dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 và giai đoạn 2) đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông, đồng bộ, an toàn, bảo mật theo đúng quy định của pháp luật và Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải quyết định tạm dừng hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu điện tử không dừng theo đúng quy định của pháp luật.
Phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2021
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1499/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2021. Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2021 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 249.650 biên chế (giảm so với năm 2020 là 3.867 biên chế).
Điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
Chính phủ ban hành Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định nêu rõ: Các đơn vị sự nghiệp công lập mới phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo về chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập mới phải tự đảm bảo về chi thường xuyên và chi đầu tư.
Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nguyên tắc lập quy hoạch là quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia, có tầm quan trọng cấp quốc gia và có tính liên vùng; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.
Thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia
Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320- 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.
Chính phủ thông qua dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM
Chính phủ thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, cho phép xây dựng, ban hành dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; thực hiện việc trình dự thảo Nghị quyết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp bị phạt đến 200 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó quy định cụ thể mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp.
Theo đó, phạt tiền từ 150-200 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cung cấp thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự... Hành vi thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam; cung cấp thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân cũng sẽ bị phạt từ 40-50 triệu đồng.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp thông tin có nội dung cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; cung cấp thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; cung cấp thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em;...
Xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video giật gân kiếm tiền
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền./.