Chế biến thịt gà xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư trên địa bàn huyện Chơn Thành (Bình Phước)
Phát triển bứt phá về hạ tầng
Bình Phước có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế - chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực phía nam và cả nước. Với hệ thống giao thông đang ngày càng hoàn thiện như quốc lộ 13 kết nối TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước và Campuchia, Lào qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Phước về TP Hồ Chí Minh; tuyến đường Bình Phước - Tân Vạn xuyên suốt các khu công nghiệp với cảng biển Thị Vải - Cái Mép và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với thời gian di chuyển ngắn là những lợi thế rõ nét của tỉnh về hạ tầng. Nhằm tạo sự thông thương tốt nhất cho nhà đầu tư, tỉnh đã chuẩn bị đầu tư một loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Ðắk Nông, Ðồng Phú - Bình Dương; dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư; quốc lộ 14 C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An. Cùng với đó, là phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt,… nhằm tạo lợi thế cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong vùng và các nước trong khu vực. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng, nâng cấp tuyến đường ÐT 753 kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành. Ðây là chủ trương lớn gỡ nút thắt để Bình Phước kết nối với Ðồng Nai và sân bay quốc tế Long Thành sau này.
Bình Phước đã xây dựng 13 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó tám KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Nhiều cụm công nghiệp cũng được quy hoạch, triển khai xây dựng và đi vào hoạt động như những vệ tinh phụ trợ cho các KCN. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương mở rộng các KCN như Minh Hưng III (577 ha), Bắc Ðồng Phú (317 ha), Nam Ðồng Phú (480 ha), Minh Hưng - Sikico (1.000 ha). Ðặc biệt, Bình Phước đã bổ sung quy hoạch mới KCN và dân cư Ðồng Phú quy mô 6.317 ha và ba KCN ở huyện Phú Riềng với diện tích 1.300 ha. Ngoài ra, Bình Phước có khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tổng diện tích hơn 28.300 ha, giáp Vương quốc Campuchia có tuyến giao thông rất thuận lợi để kết nối với Lào và Thái-lan; trong đó, hơn 3.500 ha ở khu vực trung tâm đã đưa vào hoạt động.
Ngoài nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, Bình Phước đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho doanh nghiệp (DN). Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả phương châm "2 nhanh, 3 tốt". Ðó là: Giải phóng mặt bằng nhanh, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh; chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN đến tìm cơ hội làm ăn, sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đưa Trung tâm IOC vào hoạt động với mục đích hình thành một "chính quyền điện tử" phục vụ người dân, DN tốt nhất.
Bước ngoặt lớn về thu hút đầu tư
Nhờ bứt phá về hạ tầng, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ DN và sự đồng hành sát sao của lãnh đạo tỉnh Bình Phước, ba năm trở lại đây, tốc độ phát triển của tỉnh rất đáng ghi nhận. Bước ngoặt được đánh dấu từ năm 2018 khi tỉnh tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại hội nghị, tỉnh Bình Phước đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1,13 tỷ USD. Ngay sau hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Phước lập tức chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ DN hoàn thiện thủ tục pháp lý để bắt tay vào công việc. Ðến nay, đã có 15 dự án đầu tư hoàn thành, đi vào hoạt động với số vốn 455 triệu USD; ba dự án đang tiến hành xây dựng với số vốn 412 triệu USD và sáu dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư với số vốn 266 triệu USD. Các dự án hoàn thành đi vào hoạt động đã góp phần tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân.
Ông M. Su-oan-pô-xri, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: Năm 2018, công ty nhận được giấy chứng nhận đầu tư tổ hợp nhà máy sản xuất thịt gà xuất khẩu tại huyện Chơn Thành. Ðây là dự án tổ hợp các nhà máy và trang trại chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín hoàn chỉnh với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, công suất 50 triệu con/năm trong giai đoạn 1 và 100 triệu con/năm trong giai đoạn 2 (năm 2023). Ngay sau khi trao giấy chứng nhận đầu tư, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành đã hỗ trợ tích cực, linh hoạt, hướng dẫn hiệu quả để DN nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Cuối năm 2020, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 và xuất khẩu lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên ra nước ngoài.
Năm 2020, làn sóng đầu tư vào Bình Phước vẫn tiếp tục tăng mạnh, nhờ tỉnh liên tục cải thiện chính sách thu hút đầu tư, làm tốt công tác phòng, chống dịch và cung ứng đủ nguồn nhân lực cho DN. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức cuối năm 2020 vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 DN thực hiện 46 dự án đã và đang đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký tương đương hai tỷ USD. Tỉnh đã thu hút 120 dự án đầu tư trong nước, số vốn đăng ký 12 nghìn tỷ đồng, tăng 17%; 36 dự án FDI, vốn đăng ký 432 triệu USD, bằng 96% so năm 2019. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 272 dự án FDI, vốn đăng ký 2,7 tỷ USD; 1.230 DN thành lập mới năm 2020, tăng 11,8% so năm 2019.
Nếu như trước đây, các DN đến Bình Phước chủ yếu chỉ đầu tư các lĩnh vực da giày, dệt may - nhuộm,… để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ thì nay đầu tư đa dạng hơn, hướng đến các lĩnh vực công nghệ cao. Các DN đến Bình Phước đã tận dụng lợi thế của tỉnh, tập trung đầu tư công nghiệp sản xuất, chế biến chuyên sâu với 26 dự án, tổng vốn hơn 800 triệu USD; công nghiệp điện - năng lượng tái tạo (gần 800 triệu USD); nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (hơn 210 triệu USD),… Hiện nay, tỉnh tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN trong và ngoài nước đối với danh mục 80 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số vốn hơn hai tỷ USD. Ðịnh hướng thu hút đầu tư của tỉnh là các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… Ðể thực hiện mục tiêu đó, Bình Phước sẽ tiếp tục thu hút đầu tư dựa trên chất lượng, giá trị gia tăng cũng như công nghệ sử dụng của dự án; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ðồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song kinh tế - xã hội của Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn nhiều mặt đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 7,51%, thuộc nhóm tỉnh tăng trưởng cao và đứng thứ 5 trong tổng số 63 địa phương. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn nhất quán quyền lợi của các nhà đầu tư qua các nhiệm kỳ, đồng hành cùng DN, tạo điều kiện hỗ trợ tích cực nhất, xem thành công của DN là thành công của tỉnh. Ðồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng ổn định, thông thoáng, minh bạch, giúp DN yên tâm phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ và người lao động có trách nhiệm, chuyên nghiệp, kỷ cương, thân thiện, lắng nghe và giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của các nhà đầu tư. Bình Phước sẽ tiếp tục thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế hậu quả dịch bệnh gây ra, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, chuyên gia đến làm việc./.