Trà mi hoa vàng Bugiamap là loài đặc hữu của rừng Bù Gia Mập, được mô tả và công bố một loài hoàn toàn mới cho khoa học vào năm 2014. Ảnh: VQG Bù Gia Mập
Ngày 25/12/2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án này. Trong đó, giao Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức tuyển chọn, xét giao trực tiếp, thẩm định, phê duyệt kinh phí cho các nhiệm vụ được phê duyệt tại Đề án theo đúng quy định.
Theo Đề án, danh mục các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 gồm 5 nhóm đối tượng cần bảo tồn: Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài nấm lớn tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập; Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài trà mi (Camellia sp.) tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập; Lưu giữ, bảo tồn vườn tiêu bản gồm 100 dòng điều ưu tú với số lượng 300 cây, diện tích l,5ha tại Ban Quản lý khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Phước; Lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen loài cá lăng vàng (Hemibagrus nemurus) và cá chạch lấu (Mastacembelus favus) tại Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước.
Việc tiếp tục xây dựng Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là một yêu cầu cần thiết nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển các nguồn gen là các loài sinh vật, các mẫu vật di truyền trong cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và trong tự nhiên; góp phần phục hồi một số nguồn gen bản địa thoát khỏi tình trạng biến mất và khai thác các nguồn gen đặc trưng ở địa phương nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của địa phương.
Thông tin từ Đề án này, giai đoạn 2014-2020, tỉnh đã lồng ghép nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen vào trong các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh hàng năm; thực hiện 4 đề tài khoa học cấp tỉnh, đã bảo tồn được 5 nguồn gen: Cây điều, cây kim tiền thảo, cây vàng đăng, cá lăng vàng và cá chạch lau./.