UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

Thứ ba - 11/07/2017 15:22

UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

(CTTĐTBP) - Ngày 11/7, Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa 9 đã chính thức khai mạc. Tại kỳ họp này, UBND tỉnh báo cáo trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri theo yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh. Cổng TTĐT tỉnh đăng tải báo cáo trả lời một số vấn đề trọng tâm nhằm thông tin đến cử tri tỉnh nhà quan tâm được biết.
 
 Đề nghị UBND tỉnh xem xét Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 của UBND tỉnh về việc công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh, vì gây khó khăn cho các trường học trong việc mua sắm tài sản phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập như máy vi tính, máy in?
 
 Trong quá trình thực hiện Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 của UBND tỉnh về việc công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước có một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1049/QĐ-UBND ngày 04/5/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 của UBND tỉnh. Theo đó, tại Khoản 1, Điều 1 Quyết định số 1049/QĐ-UBND ngày 04/5/2017 sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 1 Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 08/12/2016, như sau:
 
“2. Việc mua sắm các loại tài sản sau đây không thực hiện theo Quyết định này:
 
a) Tài sản tại đơn vị vũ trang nhân dân.
 
b) Tài sản mua sắm từ nguồn vốn viện trợ, tài trợ, nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài mà nhà tài trợ có yêu cầu về mua sắm khác với quy định tại Quyết định này.
 
c) Tài sản thuộc dự án đầu tư phát triển.
 
d) Tài sản thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều này nhưng nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị không quá 100 triệu đồng đối với 01 gói thầu (hoặc 01 lần mua sắm tài sản) của từng đơn vị.
 
đ) Tài sản thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều này nhưng thuộc một phần nội dung, danh mục dự toán hoặc gói thầu mua sắm tài sản của các chương trình, đề án, dự án mà việc phân chia dự án, dự toán mua sắm để thực hiện mua sắm tập trung sẽ không bảo đảm tính chất kỹ thuật, tính đồng bộ, quy mô, tiến độ và trình tự thực hiện của đề án, dự án ”.
 
Như vậy, Quyết định số 1049/QĐ-UBND ngày 04/5/2017 của UBND tỉnh đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong quá trình mua sắm tài sản.
 
 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án quy hoạch thời gian đã lâu nhưng chưa triển khai thực hiện. Người dân sống trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn do không được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà cửa, sản xuất của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành chức năng rà soát lại các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, xem xét hủy bỏ quy hoạch đối với những dự án quá 2 năm mà không triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân trong vùng dự án để có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống?
 
 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án quy hoạch và được tỉnh phân cấp cho một số sở, ngành và địa phương quản lý.
 
- Đối với quy hoạch xây dựng gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn mới thuộc quản lý về chuyên ngành của Sở Xây dựng. Việc lập quy hoạch chung xây dựng nhằm định hướng phát triển không gian đô thị, các khu chức năng, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho từng giai đoạn và dự báo hướng phát triển không gian cho giai đoạn từ 20 năm đến 25 năm, định kỳ xem xét, rà soát, điều chỉnh quy hoạch là 05 năm đối với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, 03 năm đối với quy hoạch chi tiết.
 
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện rà soát và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh một số dự án quy hoạch của tỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án quy hoạch thuộc thẩm quyền quản lý và thực hiện của các huyện, thị xã, Sở Xây dựng đã thường xuyên đôn đốc các đơn vị rà soát việc lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch, xem xét những bất cập khó khăn trong công tác quản lý để trình cấp thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương trong từng giai đoạn. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã rà soát và thực hiện tốt công tác quy hoạch. Nhìn chung về tình hình thực hiện dự án hiện nay, qua kiểm tra tiến độ của một số dự án quy hoạch trên địa bàn tỉnh, các chủ dự án triển khai còn chậm, nguyên nhân phần lớn là do những năm gần đây tình hình kinh tế và ngân sách của tỉnh rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn đầu tư xây dựng.
 
- Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sử dụng đất sống trong vùng quy hoạch. Theo khoản 2, Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 có quy định “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Căn cứ quy định nêu trên, dự án quy hoạch chưa được triển khai và chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện thì người dân sử dụng đất trong vùng dự án quy hoạch vẫn được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
 
  - Về tiến độ thực hiện:
 
+ Dự án khu đô thị mới - Công viên trung tâm Đồng Xoài được UBND tỉnh phê duyệt đồ án điều chỉnh và quy định quản lý quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 7/3/2017; đến ngày 17/4/2017, UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất tại Quyết định số 917/QĐ-UBND. Sở Xây dựng đã công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất trên trang thông tin đấu thầu của Bộ kế hoạch Đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư.
 
+ Hiện nay, Sở Xây dựng đang tổ chức lập hồ sơ sơ tuyển để lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến đầu tháng 9/2017 sẽ lựa chọn xong nhà đầu tư và triển khai dự án.
 
-  Về giải pháp thực hiện:
 
+ Nhà đầu tư bỏ toàn bộ chi phí để thực hiện dự án (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 677,5 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí GPMB).
 
+ Sau khi Nhà đầu tư thực hiện xong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công viên. Nhà nước thanh toán quỹ đất ở (khu biệt thự và khu nhà liền kề) diện tích 172.926 m2 cho nhà đầu tư kinh doanh.
 
+ Nhà đầu tư đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất được giao theo đúng quy hoạch đã phê duyệt sau đó kinh doanh để thu hồi vốn và lợi nhuận.
 
 Xem xét tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách và cán bộ cấp xã vì lương quá thấp, khối lượng lượng công việc nhiều?
 
  a) Về đề nghị tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách.
 
Chế độ phụ cấp đối với các chức danh không chuyên trách cấp xã hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Điều 6, Quyết định số 14/2016/QĐ - UBND Ngày 24/3/2016 của UBND tỉnh, cụ thể như sau:
 
- Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ: Các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã có bằng cấp về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh đảm nhiệm từ trung cấp trở lên thì xếp mức phụ cấp hàng tháng theo hệ số bậc 1 của ngạch công chức tương ứng trình độ chuyên môn được đào tạo.
 
-  Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chưa có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ xếp mức phụ cấp như sau:
 
+ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xếp hệ số phụ cấp hàng tháng bằng 1,3 mức lương cơ sở.
 
+ Phó Trưởng Công an xã, Chỉ huy Phó Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xếp hệ số phụ cấp hàng tháng bằng 1,2 mức lương cơ sở.
 
+ Các chức danh: Thanh tra nhân dân, Kế hoạch - Giao thông - Thủy lợi - Nông - Lâm nghiệp; Văn phòng Đảng ủy; Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu có); Phó các đoàn thể (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh); Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi; Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; Thủ quỹ - Văn thư - Lưu trữ; phụ trách Đài Truyền thanh - Quản lý nhà Văn hoá; phụ trách công tác Dân tộc - Tôn giáo; chức danh giúp việc cho Hội đồng nhân dân xếp hệ số phụ cấp hàng tháng bằng 1,1 mức lương cơ sở.
 
- Mức phụ cấp hàng tháng đối với các chức danh quy định trên được thay đổi khi nhà nước thay đổi mức lương cơ sở.
 
Việc quy định chế độ phụ cấp đối với chức danh không chuyên trách ở xã như trên là phù hợp với quy định của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh và phù hợp với tình hình ngân sách của địa phương ở giai đoạn hiện nay.
 
Để tăng mức phụ cấp cho chức danh không chuyên trách ở cấp xã, các địa phương khi bố trí các chức danh không chuyên trách ở cấp xã nên bố trí những người có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ để được hưởng phụ cấp theo bằng chuyên môn, nghiệp vụ và tăng cường bố trí kiêm nhiệm để được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.
 
Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND Ngày 24/3/2016 của UBND tỉnh và các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở thôn, ấp, khu phố để cử tri hiểu và áp dụng thực hiện.
 
b) Việc đề nghị tăng lương cho cán bộ xã vì lương quá thấp, công việc nhiều.
 
Chế độ lương của cán bộ cấp xã hiện nay thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ “Quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”.
 
Việc tăng lương cho cán bộ cấp xã được Chính phủ quy định cụ thể như sau:
 
- Đối với người có bằng đại học, đã được xếp lương theo ngạch chuyên viên thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng lên một bậc lương.
 
-  Đối với người có bằng trung cấp, đã được xếp lương theo ngạch cán sự sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương.
 
 Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư xây dựng từ năm 1997 đến nay, nhiều cơ sở vật chất như phòng điều trị cho nhân dân, máy móc, trang thiết bị khám chữa bệnh đã lỗi thời, xuống cấp. Đề nghị tỉnh quan tâm bố trí ngân sách đầu tư nâng cấp nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”?
 
  Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân và hướng tới việc nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt chuẩn quốc gia theo quy chuẩn của Bộ Y tế và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn đến năm 2020, việc đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước là hết sức cần thiết và cấp bách. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Hiện tại, tỉnh Bình Phước đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước từ 300 giường lên 600 giường bệnh.
 
Hiện nay, để giảm tải cho Bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh, đã cử cán bộ đi học tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh. Đề án đã được UBND tỉnh cấp kinh phí 14 tỷ đồng từ nguồn vượt thu, để đầu tư nâng cấp phòng mổ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
 
 Đề xuất các cơ quan chức năng xem xét xây dựng các kênh dẫn nước từ công trình thủy lợi Phước Hòa nhằm tận dụng nguồn nước của công trình để phục vụ canh tác nông nghiệp tại địa phương?
 
 Dự án thuỷ lợi Phước Hoà được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ phát triển Pháp (AFD. Mục tiêu dự án: Cấp nước sinh hoạt, đô thị cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Cấp nước tưới, phát triển nông nghiệp và đa dạng hóa cây trồng, xóa đói giảm nghèo trong vùng dự án. Ngăn xâm nhập mặn và cải tạo môi trường, đảm bảo chất lượng nguồn nước tại hạ lưu các sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông. Phát triển, tổng hợp, tăng cường quản lý nguồn nước có hiệu quả trong khu vực. Dự án do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được xây dựng hoàn thành và bàn giao cho Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa quản lý, khai thác từ năm 2011.
 
Về kiến nghị của cử tri đề nghị xem xét xây dựng các kênh dẫn nước từ công trình thủy lợi Phước Hòa nhằm tận dụng nguồn nước của công trình để phục vụ canh tác nông nghiệp tại địa phương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể.
 
 Đề nghị tỉnh cho biết đã có định hướng gì cho người dân phát triển cây, con giống ổn định, lâu dài, có thu nhập cao, phù hợp với thổ nhưỡng đất đai, khí hậu ở Bình Phước để không còn tình trạng chặt phá cây, thay đổi con giống khi giá xuống thấp, phát triển ào ạt khi giá tăng cao?
 
 Để phát triển những cây trồng chủ lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện theo nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa từ năm 2017 và các năm tiếp theo phải phát triển theo hướng thâm canh, chuyên canh, người sản xuất phải liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng và hình thành các vùng sản xuất tập trung (cánh đồng lớn) những cây trồng có giá trị sản phẩm hàng hóa và xuất khẩu cao như: cao su, tiêu, điều... cần có một số giải pháp, định hướng sau:
 
- Phát triển vùng cây ăn trái, nhất là loại cây có múi đang có thị trường, ở nơi thuận lợi về nguồn nước tưới và điều kiện thổ nhưỡng.
 
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, lấy khoa học công nghệ làm khâu then chốt để tạo đột phá; ưu tiên cho nguồn lực cho sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh. Tập trung xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm đối với các nông sản chủ lực.
 
- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ đội sản xuất hoặc trực tiếp với nông dân,. hướng người dân tham gia chuỗi cung ứng bền vững khi có doanh nghiệp tổ chức thực hiện. Mặt khác, hỗ trợ người dân về kiến thức kinh doanh, biết hoạch toán kinh tế để giảm chi phí đầu tư hợp lý, bảo đảm sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường và được thị trường chấp nhận phải làm sao để mỗi nông dân đều trở thành nhà kinh doanh trên chính mảnh đất của mình, giúp họ thích nghi và trụ vững với quy luật khắc nghiệt của thị trường.
 
- Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường theo hướng thúc đẩy mở cửa cho các loại nông sản của tỉnh như: điều, hồ tiêu, cao su..., kể cả sản phẩm đã qua chế biến tham gia thị trường.
 
- Đối với thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, tuy có nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức. Trước diễn biến phức tạp của thị trường, giá cả, mọi thông tin xuôi chiều, hay trái chiều, bà con nông dân và doanh nghiệp cần bình tĩnh, phân tích, tính toán trong việc bán, mua, dự trữ, chủ động điều tiết lượng mua bán, xuất khẩu sao cho giá tốt nhất, hiệu quả nhất, nông dân và doanh nghiệp đồng lòng điều tiết lượng mua bán, xuất khẩu, không bán ồ ạt với giá thấp, đẩy giá xuống, rơi vào bẫy các nhà nhập khẩu. Nhằm hỗ trợ bà con nông dân hạn chế bị ép giá nông sản, Sở Nông nghiệp và PTNT liên tục cập nhật giá nông sản trên webside ngành đồng thời khuyến khích bà con nông dân tự nguyện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bàng nhiều hình thức như: Tổ hợp tác, Hợp tác xã . từ các hình thức đó nông sản của bà con được gom số lượng lớn chủ động giao dịch với đại lý, hạn chế bị ép giá. Ngoài ra, khi tham gia liên kết bà con nông dân có thể nắm bắt được nhiều thông tin đầu vào để lựa chọn đầu tư hợp lý giảm giá thành.
 
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch diện tích phát triển các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đánh giá lợi thế của từng loại đất đai, khuyến cáo người dân trồng cây phù hợp, hạn chế tình trạng trồng chặt chạy theo phong trào khi đã trồng đúng quy hoạch.
 
 Đề nghị cho biết chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân nuôi heo trong tình hình hiện nay?
 
 Để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi heo vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2020/UBND-KT ngày 20/6/2017 thực hiện các biện pháp cấp bách ổn định chăn nuôi và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Phước đã ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn kịp thời đánh giá thực trạng khó khăn đối với cho vay ngành chăn nuôi nhất là chăn nuôi heo, khẩn trương triển khai, thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo tại văn số 3091/NHNN-TD ngày 28/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 
Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ do khó khăn trong đợt tiêu thụ vừa qua là 23.673 triệu đồng, số dư nợ cơ cấu lại thời hạn chiếm tỷ lệ 15,19%/dư nợ cho vay nuôi heo. Trong đó, chủ yếu là cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp với số dư nợ cơ cấu lại là 23.481 triệu đồng (chiếm 99,18% dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ), cá nhân là 192 triệu đồng (chiếm 0,81% dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ). Tổ chức triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ.
 
 Định hướng cụ thể trong chính sách xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài để giải quyết việc làm và tăng thu nhập gia đình, giới thiệu những công ty giới thiệu việc làm uy tín về các địa phương, giới thiệu, bảo lãnh cho người lao động tránh tình trạng lừa đảo, cò mồi và chi phí cao?
 
 Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và chấp thuận cho 16 doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Hiện các doanh nghiệp này đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm để tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài (người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài liên hệ trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm để được tư vấn miễn phí và được giới thiệu những công ty uy tín). Mặt khác, hằng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức tiếp nhận và đăng ký nhu cầu của người lao động đi làm việc theo chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về đưa người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản.
 
Để thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động, trong thời gian tới UBND tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
 
- Ban hành văn bản chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong đó quy định rõ chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã.
 
- Triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020.
 
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với người lao động và gia đình về chủ trương, chính sách và các quy định liên quan của nhà nước về công tác xuất khẩu lao động.
 
- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sàn giao dịch việc làm vào ngày 25 hàng tháng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm nhằm tư vấn, giới thiệu, kết nối người lao động với các doanh nghiệp, tổ chức có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
 
- Tổ chức các lớp học tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để người lao động có đủ kiến thức về pháp luật nước sở tại và phục vụ cho việc thi tuyển theo chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được tổ chức hàng năm về việc đưa người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc.
 
- Tư vấn định hướng cho người lao động đi làm việc ở các thị trường uy tín và tuyển nhiều lao động như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
 
- Phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuyển lao động trên địa bàn tỉnh.
 
- Tổ chức tiếp nhận đăng ký hợp đồng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân và của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.
 
- Tổ chức thẩm định và chấp thuận cho các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động vào hoạt động trên địa bàn tỉnh.
 
-Thông tin về doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động đủ năng lực pháp lý, có uy tín đến UBND các huyện, thị xã.
 
- Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
 
 Đề nghị xem xét thủ tục cấp giấy chứng minh nhân dân (cấp lại) đối với những trường hợp mất giấy khai sinh, hoặc ở xa không có điều kiện về quê gốc đê xin cấp lại giấy khai sinh?
 
 Để phục vụ cho việc triển khai thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an hướng dẫn: Trong công tác cấp, quản lý CMND, CCCD thì việc ghi ngày, tháng sinh trên CMND, thẻ CCCD căn cứ vào thông tin về ngày, tháng sinh ghi trên Sổ hộ khẩu. Đối với trường hợp Sổ hộ khẩu và Giấy khai sinh đều không ghi ngày, tháng sinh thì công dân đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký khai sinh đề nghị bổ sung ngày, tháng sinh trong Giấy khai sinh.
 
Kiến nghị của cử tri khi đề nghị thủ tục cấp lại CMND thuộc vào các trường hợp: Giấy Chứng minh nhân dân cũ hoặc hồ sơ cấp CMND trước đây và Sổ hộ khẩu không ghi ngày, tháng sinh. Vì vậy trong quá trình làm thủ tục cấp lại Giấy chứng minh nhân dân, cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ sung Giấy khai sinh làm căn cứ để ghi ngày, tháng sinh trên giấy CMND là điều kiện bắt buộc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công an. Đối với những trường hợp mất giấy khai sinh, hoặc ở xa không có điều kiện về quê gốc để xin cấp lại giấy khai sinh, thực hiện như sau:
 
Các trường hợp mất Giấy khai sinh thì công dân tiến hành làm thủ tục đề nghị cấp lại Giấy khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.
 
Các trường hợp ở xa không có điều kiện về quê gốc để xin cấp lại giấy khai sinh thì thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về thủ tục đăng ký lại khai sinh: “Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương. Sau khi có kết quả xác minh, xét thấy hồ sơ đầy đủ chính xác, đúng quy định thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại khai sinh cho công dân theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch”.
 
Sau khi công dân đã thực hiện việc đăng ký hộ tịch và bổ sung thông tin về ngày, tháng sinh trong Sổ hộ khẩu thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục cấp CMND theo quy định. Như vậy, người dân không cần thiết phải về quê gốc để đăng ký lại khai sinh./.
 
TT.THCB (tổng hợp)
(Nguồn nội dung: Báo cáo số 149/BC-UBND ngày 10/7/2017 của UBND tỉnh về trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa IX)
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,332
  • Hôm nay709,328
  • Tháng hiện tại18,531,664
  • Tổng lượt truy cập478,424,351
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây