Sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ sáu - 19/10/2018 10:00 839
(CTTĐTBP) - Từ ngày 25/10/2018, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” sẽ có hiệu lực thi hành. Những “điểm nghẽn” trong hoạt động đầu tư của ngành nông nghiệp, đặc biệt là những vướng mắc về tài sản bảo đảm và hạn mức cho vay sẽ sớm được tháo gỡ trong thời gian tới.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ và cho vay mới

Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi tên Điều 12 thành “Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ và cho vay mới”; sửa đổi khoản 2 Điều 12 và bổ sung khoản 3, khoản 4 vào Điều 12.
 
Phat trien nong nghiep
Nghị định 116 bổ sung nhiều đối tượng mới có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi tín dụng, nâng hạn mức cho vay với người nông dân, hộ gia đình.
 
Nội dung sửa đổi, bổ sung Điều này như sau: Trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này được tổ chức tín dụng đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho tổ chức tín dụng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; thời gian khoanh nợ tối đa là 2 năm.

Riêng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này thời gian khoanh nợ tối đa là 3 năm. Các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị khoanh nợ cũng được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 12.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét quyết định việc khoanh nợ trong trường hợp tổng số tiền đề nghị khoanh nợ của các tổ chức tín dụng trong cùng một đợt thiên tai, dịch bệnh hoặc cùng đợt xảy ra rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này từ 1 tỷ đồng trở xuống; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định nếu tổng số tiền đề nghị khoanh nợ của các tổ chức tín dụng trên 1 tỷ đồng. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính không thống nhất được việc khoanh nợ trong trường hợp tổng số tiền đề nghị khoanh nợ của các tổ chức tín dụng từ 1 tỷ đồng trở xuống, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Nghị định 116/2018/NĐ-CP bổ sung khoản 4 vào Điều 14 về “Quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp”.

Theo đó, quản lý dòng tiền cho vay liên kết theo chuỗi giá trị được quy định như sau: Căn cứ vào hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị giữa tổ chức đầu mối và tổ chức, cá nhân tham gia liên kết (sau đây gọi là bên liên kết), tổ chức tín dụng ký thỏa thuận cho vay đối với tổ chức đầu mối và/hoặc bên liên kết và quản lý dòng tiền cho vay chuỗi liên kết theo nguyên tắc:

Tổ chức đầu mối và bên liên kết mở tài khoản tại tổ chức tín dụng cho vay và cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị thông qua các tài khoản này.

Trường hợp tổ chức đầu mối thực hiện tạm ứng chi phí sản xuất cho bên liên kết: Tổ chức tín dụng cho vay đối với tổ chức đầu mối để thanh toán: tiền mua vật tư, dịch vụ đầu vào để tạm ứng cho bên liên kết; tiền mua sản phẩm của bên liên kết sau khi khấu trừ tiền tổ chức đầu mối đã tạm ứng cho bên liên kết; chi phí chế biến, tiêu thụ sản phẩm của tổ chức đầu mối. Tổ chức tín dụng thu nợ tổ chức đầu mối trên cơ sở nguồn thu từ tiền bán hàng của tổ chức đầu mối theo các hợp đồng tiêu thụ mà tổ chức đầu mối đã ký kết với nhà tiêu thụ và các nguồn thu hợp pháp khác.

Trường hợp tổ chức đầu mối không thực hiện tạm ứng chi phí sản xuất cho bên liên kết: Tổ chức tín dụng cho vay đối với bên liên kết để thanh toán tiền mua vật tư, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất liên kết. Tổ chức tín dụng thu nợ đối với bên liên kết trên cơ sở nguồn thu từ tiền bán hàng cho tổ chức đầu mối. Tổ chức tín dụng cho vay đối với tổ chức đầu mối để thanh toán: tiền mua sản phẩm của bên liên kết; chi phí chế biến, tiêu thụ sản phẩm của tổ chức đầu mối. Việc giải ngân đối với tổ chức đầu mối để thanh toán tiền mua sản phẩm của bên liên kết gắn với thu nợ của bên liên kết. Tổ chức tín dụng thu nợ tổ chức đầu mối trên cơ sở nguồn thu từ tiền bán hàng theo các hợp đồng tiêu thụ mà tổ chức đầu mối đã ký kết với nhà tiêu thụ và các nguồn thu hợp pháp khác.

Về quản lý dòng tiền cho vay liên kết, được quy định: Trường hợp các bên tham gia liên kết chỉ ký hợp đồng liên kết để thực hiện một hoặc nhiều khâu của chuỗi liên kết theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định này thì tổ chức tín dụng ký thỏa thuận cho vay đối với các bên để thực hiện từng khâu trong chuỗi liên kết. Tổ chức tín dụng và các bên tham gia liên kết thỏa thuận cụ thể thời hạn, kỳ hạn trả nợ phù hợp với thời gian thực tế của mỗi khâu trong liên kết. Tổ chức tín dụng thực hiện trung gian thanh toán giữa các bên tham gia liên kết mở tài khoản tại tổ chức tín dụng trên cơ sở đề nghị của các bên tham gia liên kết.

Bổ sung nhiều đối tượng mới có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi

Nghị định 116 cũng đã bổ sung nhiều đối tượng mới có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi tín dụng, nâng hạn mức cho vay với người nông dân, hộ gia đình, giúp đáp ứng nhu cầu nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Nghị định đã nâng mức cho vay tín chấp, không có tài sản bảo đảm tối đa với cá nhân, hộ gia đình ngoài khu vực nông thôn có sản xuất, kinh doanh nông nghiệp lên tới 100 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ cá nhân, hộ gia đình ở khu vực nông thôn cũng sẽ được vay lên tới 200 triệu đồng. Điều kiện vay vốn, chủ trang trại là cá nhân thực hiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật và đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Ngoài ra, các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này không phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại phòng công chứng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Nghị định cũng bổ sung chính sách hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp như các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... sẽ được ngân hàng thương mại xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án.

Như vậy, quy định này đã mở rộng đối tượng làm nông nghiệp được tiếp cận vốn ngân hàng. Trong khi trước đây chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao mới được hưởng chính sách này./.

Tác giả bài viết: Nhật Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,070
  • Hôm nay135,006
  • Tháng hiện tại669,231
  • Tổng lượt truy cập407,411,085
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây