Theo Dự thảo này, những điểm mới chủ yếu của phiên bản 2.0 so với phiên bản 1.0 là Khung kiến trúc CPĐT phiên bản 2.0 được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số. Điểm mới tiếp theo là bổ sung thêm các nội dung sau: Các nguyên tắc xây dựng kiến trúc CPĐT; định hướng phát triển CPĐT của quốc gia; khái niệm về Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam, kiến trúc CPĐT cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh; các mô hình tham chiếu; nội dung an toàn thông tin mạng; phương pháp tiếp cận kiến trúc CPĐT và khung tham chiếu tương hợp.
Dự thảo Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0 còn thể hiện rõ mô hình kết nối CPĐT Việt Nam, mô tả tóm tắt các thành phần, bao gồm một số hệ thống lớn của quốc gia; cập nhật một số nội dung về các xu thế phát triển công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…; thống nhất sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước làm hạ tầng truyền dẫn trong CPĐT Việt Nam.
Trước đó, ngày 21/4/2015, Bộ TT&TT đã ban hành Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay đa số các bộ ngành, địa phương đã xây dựng được kiến trúc (CPĐT đối với cấp bộ và chính quyền điện tử đối với cấp tỉnh), thực hiện duy trì, phát triển kiến trúc. Đối với Bình Phước, ngày 02/11/2018, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 2523/QĐ-UBND về phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước.
Với quyết tâm xây dựng CPĐT tại Việt Nam, ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0 phù hợp với xu hướng phát triển CPĐT trên thế giới và bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.