Theo đó, việc kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử được thực hiện như sau: Giải mã chữ ký số bằng khóa công khai tương ứng; Kiểm tra, xác thực thông tin của người ký số trên chứng thư số gắn kèm văn bản điện tử, việc kiểm tra, xác thực thông tin người ký số được thực hiện theo Điều 8 Thông tư này (ảnh phía trên); Kiểm tra tính toàn vẹn của văn bản điện tử ký số.
Chữ ký số trên văn bản điện tử là hợp lệ khi việc kiểm tra, xác thực thông tin về chứng thư số của người ký số tại thời điểm ký còn hiệu lực, chữ ký số được tạo ra đúng bởi khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trên chứng thư số và văn bản điện tử đảm bảo tính toàn vẹn.
Thông tin về người ký số; cơ quan, tổ chức ký số trên văn bản điện tử phải được quản lý trong cơ sở dữ liệu đi kèm phần mềm kiểm tra chữ ký số. Nội dung thông tin quản lý quy định tại khoản 4, Điều 1, Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 của Chính phủ.
Thông tư 41/2017/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/02/2018 bao gồm 4 chương 18 điều, quy định về ký số, kiểm tra chữ ký số trên văn bản điện tử; yêu cầu kỹ thuật và chức năng của phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước. Thông tư này không quy định việc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử chứa thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước./.