Bộ Y tế đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau 10 năm tổ chức, thực hiện, Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (Chương trình) đã đạt được nhiều kết quả tốt, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, hướng dẫn chuyên môn cho công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cơ bản được hoàn thiện; góp phần làm giảm tình trạng sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật, lây nhiễm HIV trong cộng đồng; cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người tham gia điều trị góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, Chương trình còn gặp khó khăn về nguồn lực, nhận thức; tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy diễn ra ở một số địa phương; công tác tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia chương trình chưa được triển khai sâu rộng dẫn đến kết quả của Chương trình vẫn còn hạn chế.
Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của Chương trình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ động phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về cai nghiện, điều trị nghiện ma túy trong quá trình sửa đổi bổ sung các Luật: HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; tăng cường giám sát, hỗ trợ Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức, thực hiện Chương trình; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị; chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Chương trình; chủ động cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến Chương trình cho các cơ quan truyền thông.
Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình trong các cơ sở thuộc quyền quản lý.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, tăng cường phối hợp với Bộ Y tế trong việc tuyền truyền trên các phương tiện truyền thông về các hoạt động và hiệu quả của Chương trình.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương tăng cường, đa dạng hóa các hình thức truyền thông; tăng cường phối hợp liên ngành để triển khai hiệu quả Chương trình./.