Bộ NN&PTNT khuyến cáo phòng chống bệnh chết héo cây keo

Thứ năm - 03/09/2020 16:47
(CTTĐTBP) - Hiện nay, bệnh chết héo cây keo do nấm Ceratocytis manginecans đã xuất hiện ở nhiều địa phương ở nước ta. Trong 6 tháng đầu năm 2020, diện tích rừng trồng keo bị chết xấp xỉ 100ha, gây thiệt hại cho người trồng rừng.
benh cay chet heo
Một khu vực xuất hiện bệnh chết héo trên cây keo tại Tuyên Quang. Ảnh: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam
 
Để phòng chống kịp thời bệnh chết héo cây keo, tránh nguy cơ bệnh lây lan và bùng phát thành dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có khuyến cáo các tỉnh, thành phố chỉ đạo, thực hiện phòng chống bệnh chết héo cây keo.

Theo Bộ NN&PTNT, triệu chứng điển hình của bệnh chết héo keo lai, keo tai tượng và keo lá tràm do nấm Ceratocystis manginecans gây ra là trên thân hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quanh vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể chảy nước hoặc sùi bọt. Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo, nhưng lá vẫn chưa rụng. Sau một thời gian, lá bị khô, rụng và cây chết.

Biện pháp chung trong phòng chống bệnh này là hạn chế trồng keo ở nơi có lượng mưa bình quân trên 2.400 mm/năm. Ở nơi đã xuất hiện bệnh, cần xử lý thực bì và làm đất theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, nhằm loại bỏ hoặc diệt trừ mầm bệnh. Nên luân canh loài cây, giống cây giữa các chu kỳ, đặc biệt từ chu kỳ 2 trở đi. Phòng tránh việc gây tổn thương cơ giới cho cây trồng, nhất là cây trồng ở độ tuổi 1 - 3.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hại cây rừng; định kỳ điều tra bệnh cây ít nhất 1 lần/tháng trên các ô tiêu chuẩn được bố trí theo phương pháp hệ thống ngẫu nhiên trên lô. Diện tích mỗi ô tiêu chuẩn đảm bảo có ít nhất 31 cây/ô, tổng diện tích các ô tiêu chuẩn bằng 0,5 - 1,0% tổng diện tích của lô rừng trồng thuộc đối tượng điều tra. Trong mọi trường hợp, số ô tiêu chuẩn ít nhất là 1 ô/lô (thuộc đối tượng điều tra). Xác định tỷ lệ bị bệnh của lô rừng là tỷ lệ phần trăm của số lượng cây bị bệnh so với tổng số cây điều tra.

Về xử lý cây bị bệnh, Bộ NN&PTNT khuyến cáo nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân của lô rừng dưới 15% thì tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy (đốt) các cây bị bệnh chết héo; giữ lại các cây chưa có triệu chứng bị bệnh. Không tận thu các cây bị bệnh chết héo, không vận chuyển sang nơi khác.

Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân từ 16 đến 50% thì tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy các cây bị chết héo. Đồng thời, áp dụng biện pháp hóa học cục bộ theo đám (khi cây chết theo đám) hoặc toàn bộ lô (khi cây chết rải rác). Sử dụng thuốc trừ bệnh có hoạt chất Metalaxyl (tên thương phẩm là Metaxyl 500WP), Mancozeb (tên thương phẩm là Manozeb 80WP), Metalaxyl + Mancozeb (tên thương phẩm là Lanomyl 680WP và Ridomid gold 68WG). Chú ý pha thuốc với chất bám dính; nồng độ 3g hoạt chất/lít, liều lượng 400-600 lít dung dịch/ha, phun nhắc lại 2 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.

Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân trên 50% thì thanh lý rừng theo quy định của pháp luật. Trồng lại rừng sau khi thanh lý rừng bị bệnh, cần xử lý thực bì, đất theo các khuyến cao nêu trên. Luân canh loài cây trồng khác phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương./.

Tác giả: Hải Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay167,500
  • Tháng hiện tại1,516,628
  • Tổng lượt truy cập446,911,750
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây