Thương binh Trần Xuân Cường: Tấm gương sáng về nghị lực vượt khó 

Thứ ba - 27/11/2018 14:13
(CTTĐTBP) - Trở về từ chiến tranh, mang trong mình thương tật hạng 1/4 nhưng bằng sự cố gắng và đam mê, thương binh Trần Xuân Cường (SN 1966, thôn 1, xã Long Tân, huyện Phú Riềng) đã vượt qua những khó khăn, tích cực chủ động phát triển kinh tế, nuôi dạy các con thành tài. Ông còn là một vận động viên bóng bàn giàu thành tích của người khuyết tật tỉnh nhà.
Phát triển kinh tế gia đình

Sinh ra và lớn lên ở miền quê của tỉnh Thanh Hóa, học hết Trung học phổ thông ông nhập ngũ và học tại Trường sĩ quan chỉ huy pháo binh ở Sơn Tây (Hà Nội). Ra trường, ông tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Trong một lần truy quét địch, ông bị thương, được các quân y viện tận tình cứu chữa. Năm 1990, ông rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, sinh sống và lập nghiệp ở mảnh đất xã Long Tân, huyện Phú Riềng. Thời gian đầu, khi mới rời quân ngũ, cuộc sống của ông vô cùng khó khăn, ông làm thuê, làm mướn trang trải sinh hoạt gia đình. Trong điều kiện gia đình khó khăn, làm gì để bảo đảm cuộc sống là câu hỏi luôn trăn trở trong ông.
 
Thuong binh Trinh Xuan Cuong
Thương binh Trần Xuân Cường - người ngồi bìa phải
 
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh tàn nhưng không phế”, từ sáng sớm đến chiều tối không lúc nào rời cái cuốc, cái liềm và bộ quần áo màu lính cũ. Nhớ lại những lúc khó khăn, ông Cường cho biết: “Có những lúc định từ bỏ nhưng rồi cuộc sống của gia đình thôi thúc khiến tôi không thể ngồi yên, lại lao vào làm việc”.

Được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, ông đã đầu tư vào sản xuất trồng cây lương thực như cây bắp, mì… Khi cuộc sống cơ bản ổn định, ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây điều, cao su. Hai vợ chồng ông dồn sức chăm sóc tốt vườn cây, mua thêm đất phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình ông có 5ha vườn rẫy trồng 2 loại cây cao su và điều đều cho năng suất cao và ổn định. Vụ vừa qua, tuy bị dịch bọ xít, muỗi tàn phá nhưng năng suất vườn điều của ông vẫn đạt 2 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, hàng năm thu nhập gia đình ông đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Nuôi dạy con thành tài

Năm 1990, ông Cường lập gia đình và có được 4 người con, ông và vợ đều mong muốn con cái ngoan ngoãn, thành tài. Với cương vị là người cha, người chồng trong gia đình, ông luôn khuyên nhủ, dạy bảo các con phải cố gắng học tập để trở thành người tốt, người hữu ích cho xã hội. “Dù vất vả lam lũ nhưng tôi vẫn luôn dặn dò, nhắc nhở con cái cố gắng học thật tốt. Ba mẹ không có gì cho các con ngoài đảm bảo cho các con học hành, vì vậy phải ráng học để không phụ lòng ba mẹ”, ông Cường chia sẻ.

Hiểu được lòng cha mẹ, các con của ông đều ra sức học tập. Cả 4 người con đều học giỏi và cùng đỗ vào Trường THPT chuyên Quang Trung - ngôi trường dẫn đầu về thành tích học tập của tỉnh. Người con cả Trần Thị Thanh (SN 1990), sau khi tốt nghiệp đại học, hiện đang là giảng viên Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Người con thứ hai Trần Thị An (SN 1993), cũng tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang làm việc tại xã Long Tân, huyện Phú Riềng. Người con thứ ba Trần Ngọc Anh (SN 1997), hiện đang học năm 2 Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Còn người con út Trần Thị Ngọc Nhật (SN 2000) hiện đang học lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Quang Trung.

Đam mê thể thao

Với tâm niệm thực hiện lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do địa phương phát động. Những lúc rảnh rỗi, ông thường cùng bạn bè trong thôn, xóm chơi bóng bàn và bị cuốn hút bởi những đường bóng bàn kể từ lúc nào không hay. Ông chia sẻ: “Tôi đến với thể thao nhằm đẩy lùi những cơn đau, bóng bàn dần trở thành niềm đam mê mãnh liệt không thể tách rời với tôi suốt những năm qua”.

Nhờ sự kiên trì, đam mê và nỗ lực, ông trở thành tay vợt “nổi tiếng khắp vùng”. Năm 2012, ông được chọn vào đội tuyển bóng bàn người khuyết tật huyện Bù Gia Mập tham gia Đại hội thể dục thể thao Người khuyết tật tỉnh Bình Phước và ông đã xuất sắc vượt qua các đối thủ, giành tấm huy chương vàng trong lần đại hội này. Tại các lần đại hội tiếp theo vào các năm 2014, 2016, ông giành thêm 1 tấm huy chương vàng và 1 tấm huy chương đồng.

Ở cái tuổi 51, ông vẫn đều đặn cùng bạn bè chơi bóng bàn tại thôn, đó là niềm vui lúc tuổi già. Ông Cường tâm sự: "Đây vừa là niềm vui vừa là niềm động lực để tôi vượt lên những nỗi đau về thể xác. Nếu không có thể thao thì chắc chắn bây giờ tôi khó có thể khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường được".

Ông Lê Ngọc Vũ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Long Tân, cho biết: “Cựu chiến binh Trần Xuân Cường luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, luôn gương mẫu đi đầu, tích cực tham gia công tác xã hội của địa phương. Ông Cường còn làm kinh tế giỏi và nuôi dạy con cái thành đạt, là tấm gương sáng vượt khó để chúng tôi tuyên truyền tới hội viên và nhân dân trong xã”./.

Tác giả: Hải Thanh - Vũ Nguyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,272
  • Hôm nay542,761
  • Tháng hiện tại17,494,065
  • Tổng lượt truy cập477,386,752
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây